Chấn thương tinh hoàn ở trẻ em
Ngày đăng: 26/07/2010
Lượt xem: 14347
Ngày 21/ 6/2010 bé trai T.T.T, 5 tuổi, nhập viện bệnh viện nhi đồng 2 với tình trạng sưng to đau một bên bìu tinh hoàn do anh trai 7 tuổi chơi giỡn đá vào. Sau khi được thăm khám và siêu âm bé được chẩn đoán là chấn thương vỡ tinh hoàn, bé được phẫu thuật cấp cứu kịp ngay sau khi nhập viện. Sau mổ, hiện tình trạng bé tốt dần, bìu bớt đau và sưng, vết mổ sạch. Bé được xuất viện ngay ngày hôm sau. Để hiểu rõ hơn về chấn thương Tinh hoàn, chúng tôi có trao đổi với phẫu thuật viên của ca mổ, Thạc sỹ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, hiện đạng công tác tại khoa Ngoại Niệu bệnh viện Nhi đồng 2
1. Các loại chấn thương tinh hoàn thường gặp?
Chấn thương kín là nguyên nhân chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất, kế đó là các vết thương tinh hoàn. Ða số các chấn thương tinh hoàn gặp ở mọi lứa tuổi, đạc biệt là lứa tuổi 5-15 tuổi. Một số ít trường hợp chấn thương tinh hoàn có thể xảy ra trong lúc sinh.
2. Mục tiêu của điều trị chấn thương tinh hoàn?
Mục tiêu hàng đầu là bảo tồn càng nhiều mô chức năng của tinh hoàn càng tốt. Rất? nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các trường hợp chấn thương tinh hoàn mổ càng sớm thì càng bảo tồn được chức năng của tinh hoàn.
3. Xoắn tinh hoàn hoặc bướu tinh hoàn có phải là hậu quả của chấn thương tinh hoàn hay không?
Chấn thương trực tiếp tinh hoàn không bao giờ gây ra xoắn tinh hoàn hoặc bướu tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau các hoạt động thể lực gắng sức. Một trường hợp tổn thương nặng nề không tương xứng với cơ chế gây ra tổn thương đều phải được nghi ngờ là chấn thương xảy ra trên một tinh hoàn có bướu.
4. Xử trí một trường hợp chấn thương tinh hoàn?
Hỏi bệnh sử thật kỹ lưỡng để đánh giá cơ chế và mức độ nặng của chấn thương. Chấn thương kín gây vỡ tinh hoàn thường do một lực mạnh đột ngột đẩy tinh hoàn về phía xương mu. Ða số các trường hợp khi bệnh nhân tới khám bệnh thì bìu sưng to, đau nên khám khó sờ được tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh. Tốt nhất là nên làm siêu âm bìu để xác định mức độ thương tổn. Nếu lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ có vỡ tinh hoàn thì phải can thiệp phẫu thuật ngay. Trong khi mổ, nếu bao trắng tinh hoàn bị rách thì cần cắt lọc mô tinh hoàn đến mô lành rồi khâu lại bao trắng bằng chỉ tan. Trước khi đóng tinh mạc nên dẫn lưu penrose trong tinh mạc qua vết mổ.
5. Xử trí vết thương tinh hoàn
Tất cả các trường hợp vết thương tinh hoàn đều phải mổ thám sát và xử trí như trường hợp vỡ tinh hoàn. Ngoài ra cần phải xử trí thêm các thương tổn đi kèm của các cơ quan lân cận. Những trường hợp vết thương tinh hoàn do hoả khí, vì tốc độ đạn quá cao, ngoài các thương tổn nhìn thấy ngay, có thể xảy ra tình trạng hoại tử muộn của tinh hoàn vài ngày sau khi bị thương. Vì vậy, các trường hợp vết thương tinh hoàn do hoả khí nên cắt tinh hoàn.
6. Thế nào là chấn thương gây di lệch tinh hoàn?
Chấn thương kín không chỉ gây ra đụng dập hoặc vỡ tinh hoàn. Nếu một lực tác động đột ngột vào bìu có thể đẩy tinh hoàn chạy ngược vào trong ống bẹn, thậm chí tinh hoàn có thể chạy vào trong ổ bụng. Tổn thương loại này có thể gây đau rất dữ dội. Thừng tinh có thể bị xoắn và bao trắng của tinh hoàn có thể bị vỡ. Ða số các trường hợp này thường xảy ra trong bệnh cảnh đa chấn thương nên chấn thương tinh hoàn dễ bị bỏ sót. Khi khám có thể thấy một bên bìu không có tinh hoàn hoặc có thể sờ được tinh hoàn nằm ở vùng bẹn. Nếu tình trạng chung của bệnh nhân cho phép (không có thương tổn nặng khá đi kèm và sờ được tinh hoàn nằm ở nửa ngoài của ống bẹn thì có thể cho bệnh nhân thuốc giảm đau, tiền mê bằng đường tĩnh mạch để cố gắng dùng tay nhẹ nhàng đẩy tinh hoàn trở về vị trí trong bìu. Nếu cách làm này thất bại hoặc nếu nghi ngờ có vỡ tinh hoàn thì phải phẫu thuật thám sát và sửa chữa các thương tổn của tinh hoàn.
7. Các chấn thương tinh hoàn, về lâu dài có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không?
Ngay sau khi có tổn thương, tình trạng sản xuất tinh trùng bị thay đổi, thậm chí đưa đến vô tinh. Sau 3- 9 tháng, tình trạng sản xuất tinh trùng có thể phục hồi trở lại. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tổn thương tinh hoàn một bên có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn ở tinh hoàn còn lại và làm giảm khả năng thụ thai. Tất cả những người bị chấn thương tinh hoàn đều phải được theo dõi tinh trùng đồ.
8. Các nguyên tắc chính điều trị chấn thương tinh hoàn
- Xác định nguyên nhân chấn thương (nếu có thể)
- Sử dụng siêu âm đánh giá tình trạng tinh hoàn, bao trắng của tinh hoàn
- Lâm sàng vẫn là yếu tố quyết định, không nên qua tin tưởng vào siêu âm
- Nếu có nghi ngờ tổn thương nặng hơn tình trạng đụng dập thì nên phẫu thuật sớm thay vì điều trị bảo tồn. Vì phẫu thuật bao giờ cũng bảo tồn được chức năng của tinh hoàn nhiều hơn
Đăng bởi: Ban Website BVNĐ2
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021