Bấm vào hình để xem kích thước thật

Dính môi bé ở bé gái và các điều cần biết

Ngày đăng:  21/08/2013

 
Lượt xem: 219761

Tại phòng khám ngoại khoa, nhiều phụ huynh đem con là bé gái đến khám vì những lý do khiến bác sĩ cũng “hết hồn”: “Bác sĩ ơi, con tôi không có lỗ âm đạo”, “Con tôi bị dị dạng đường sinh dục”...

Nhưng sau khi được thăm khám, các bác sĩ phát hiện đơn giản là các bé gái này bị dính vùng âm môi bộ phận sinh dục nữ hay chính xác hơn là dính môi bé đơn thuần. Sau khi được giải thích và mất khoảng năm phút tách dính, các bé lẫn cha mẹ đã vui vẻ ra về.

Thạc sĩ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ khoa niệu , đã cho biết về bệnh này như sau:

Dính môi bé là gì?

Bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ bao gồm hai môi lớn và hai môi bé. Những bộ phận này nằm chắn ở phía trước cửa lỗ âm đạo và lỗ tiểu. Bình thường thì hai môi bé tách biệt nhau tạo ra khoảng trống ở giữa. Dính âm môi hay dính môi bé là hiện tượng hai môi bé bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau chỉ còn một khoảng trống nhỏ, một số trường hợp hầu như bịt kín.

Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ từ ba tháng đến sáu tuổi và có thể kéo dài đến lúc trẻ dậy thì. Có ba mức độ dính môi bé: nhẹ (dính một phần, che một phần âm đạo, lỗ tiểu không bị che lấp…); trung bình (âm đạo bị che lấp nhưng lỗ tiểu vẫn còn); nặng (âm đạo và lỗ tiểu đều bị che hoàn toàn).

Triệu chứng và nguyên nhân gây dính

Đa số trẻ không có biểu hiện, triệu chứng gì, người nhà chỉ tình cờ phát hiện không thấy lỗ tiểu hoặc lỗ âm đạo của bé hoặc thấy bộ phận sinh dục bé không giống các bé gái khác nên đưa trẻ tới khám. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đến khám vì bé than đau vùng sinh dục, tiểu khó hay nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng âm hộ. Trường hợp dính ít, đôi khi làm bé tiểu không hết, lượng nước tiểu còn lại gây ướt quần gây nhầm lẫn bé hay tiểu dầm hay tiểu không kiểm soát. Thậm chí có trẻ do viêm nhiễm thường xuyên và người nhà tự ý thoa nhiều loại kem khác nhau dẫn đến nhiễm nấm vùng âm hộ rất khó chữa.

Nguyên nhân không thực sự rõ ràng, có thể do: suy giảm nồng độ oestrogen trong máu của bé khiến hai môi bé có khả năng dính vào nhau; viêm nhiễm vùng âm hộ: hăm tã, viêm nhiễm vùng âm hộ, do kích ứng bởi xà bông hay sữa tắm tạo điều kiện cho hai môi bé dính nhau.

Việc chẩn đoán không gì khó khăn, chỉ cần khám lâm sàng kết hợp hỏi bệnh sử.

Nếu không điều trị, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nếu dính độ nhẹ, có thể tự cải thiện khi bé dậy thì do nồng độ oestrogen tăng lên. Độ trung bình và nặng thì cần phải điều trị, nếu không dòng nước tiểu bị cản trở sẽ gây viêm âm hộ, nhiễm trùng tiểu, hoặc nặng hơn dòng nước tiểu bắn vào âm đạo gây viêm nhiễm âm hộ, âm đạo kéo dài.
Nếu dính âm hộ gây khó chịu cho bé hoặc gây viêm nhiễm tái phát nhiều lần thì cần tách dính. Tách dính là tiểu phẫu thực hiện ngoài phòng khám, rất nhanh chóng, không gây đau và an toàn.

Tách dính kết hợp bôi thuốc có chứa chất oestrogen, bôi hai lần/ngày trong hai tuần có thể được bác sĩ kê toa. Nhưng đại đa số trường hợp, khi tắm cha mẹ vệ sinh cho bé thì sẽ tránh được dính tái phát.

môi bé bị dính

môi bé sau tách

Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021