Bấm vào hình để xem kích thước thật

Thời điểm mổ tinh hoàn ẩn?

Ngày đăng:  03/01/2014

 
Lượt xem: 49446

Câu hỏi:

Chào các bác sỹ! Tôi tên là Đỗ Thị Tuyên hiện tôi đang công tác và sinh sống tại Tỉnh Lai Châu. Tôi có 1 cậu con trai 14 tháng tuổi nặng 14kg, cháu khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên đến nay cả 2 bên tinh hoàn cháu bị ẩn. Lúc cháu 6 tháng tuổi tôi có đưa đi khám ở Bệnh viện nhi Trung ương. Các bác sỹ siêu âm thấy tinh hoàn ở 2 bên lỗ bẹn sâu là cho điều trị bằng tiêm nội tiết tố trong 01 tháng với 6 mũi. Tuy nhiên đến nay hai tinh hoàn vẫn chưa về bừu. Các bác sỹ có thể tư vấn giúp tôi khi nào thì cháu có thể tiến hành mổ được ạ. Vì các bác sỹ bệnh viện nhi trung ương hẹn tôi khi nào cháu ngoài 2 tuổi thì quay lại mổ. Nhưng tôi đọc được thông tin là nếu trẻ ẩn tinh hoàn cả 2 bên thì nên mổ sớm a. Tôi rất mong các bác sỹ trả lời giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chị Tuyên thân mến,
Trong thời kỳ phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu trong quá trình này tinh hoàn gặp phải một sự cố gì đó mà nằm lại ở bụng, ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn.30% các bé sinh non bị tinh hoàn ẩn, ở trẻ sinh đủ tháng tỉ lệ là 3%. Khoảng 70% trường hợp tinh hoàn ẩn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu. Sau 1 tuổi tỉ lệ này rất ít.
 Đối với tinh hoàn ẩn ở vùng bẹn có hai phương pháp. Ở trẻ dưới 1 tuổi có thể dùng phương pháp nội khoa, bác sĩ sẽ tiêm nội tiết tố HCG để kích thích tinh hoàn đi xuống. Tuy nhiên hiệu quả chỉ khoảng 20% và có một số chống chỉ định, nên hiện nay phần lớn tinh hoàn ẩn được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa, tức là phẫu thuật đưa tinh hoàn ẩn xuống cố định ở bìu. Thời điểm thích hợp để phẫu thuật là 1 tuổi, vì sau 1 tuổi tinh hoàn ẩn bắt đầu phát triển theo chiều hướng xấu đi, các tế bào mầm giảm số lượng.
- Với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng thì phẫu thuật, nội soi rất tiện lợi.

-Tuy nhiên, giảm khả năng sinh sản có thể gặp trong tinh hoàn ẩn một bên hoặc cả hai bên. Các số liệu cho thấy trong các trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên đã điều trị phẫu thuật, chỉ 25% có số lượng tinh trùng bình thường.

Vì thế nguy cơ vô sinh là khá cao đối với những trường hợp không điều trị. Một báo cáo năm 1975 cho thấy tỉ lệ có con (tự nhiên) là 90% khi được điều trị ở giữa 1-2 tuổi, 50% ở giữa 2-3 tuổi, 40% giữa 5-8 tuổi, 30% giữa 9-12 tuổi và chỉ còn 15% khi quá 15 tuổi.


Do đó, con chị đã điều trị bằng biện pháp nội tiết tố thất bại thì có chỉ định phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu đúng vị trí của nó. Chị có thể quay lại bệnh viện nhi trung ương để được tư vấn thêm về cách mổ và thời điểm mổ.
Thân ái

Trả lời bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác