Hai mươi lời khuyên giúp tránh những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe trẻ em
Ngày đăng: 25/02/2012
Lượt xem: 11006
Sai lầm trong chăm sóc sức khỏe là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương và tử vong tại Hoa kỳ. Theo một nghiên cứu vào năm 2001 được đăng trong Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ, tỉ lệ của các sai lầm trong chăm sóc sức khỏe và các tác dụng phụ của thuốc làm cho trẻ em phải nhập viện có thể bằng với tỉ lệ người lớn nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ do tác dụng phụ của thuốc thật sự xảy ra cao hơn gấp ba lần ở trẻ em, và cao hơn đáng kể ở các đơn vị chăm sóc tăng cường sơ sinh.
Chúng tôi dịch tài liệu này nhằm giúp phụ huynh tránh được cho con cái của mình bị mắc các sai lầm trong chăm sóc sức khỏe.
Sai lầm trong chăm sóc sức khỏe là gì?
Sai lầm trong chăm sóc sức khỏe xảy ra khi có một khâu nào đó trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe đã được hoạch định nhưng không được làm hay làm không đúng, hoặc khi kế hoạch chăm sóc sức khỏe được hoạch định sai ngay từ đầu. Theo một báo cáo của Viện Y khoa Hoa kỳ năm 1999, ước tính có khoảng từ 44.000 đến 98.000 người bị chết trong các bệnh viện của Hoa kỳ mỗi năm là do hậu quả của sai lầm trong chăm sóc sức khỏe.
Các sai lầm trong chăm sóc sức khỏe có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong hệ thống chăm sóc sức khỏe:
- Tại các Bệnh viện công.
- Tại các Phòng khám đa khoa tư nhân.
- Tại các Bệnh viện phẫu thuật trong ngày.
- Tại các phòng mạch tư của các bác sĩ.
- Tại các hiệu thuốc tây.
- Tại nhà của bệnh nhân.
Các sai lầm trong chăm sóc sức khỏe có thể liên quan đến:
- Sử dụng thuốc.
- Tai biến phẫu thuật.
- Chẩn đoán bệnh sai.
- Trang thiết bị bị hư/trục trặc.
- Kết quả xét nghiệm sai.
Hầu hết các sai lầm xảy ra là do hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay quá phức tạp. Nhưng các sai lầm cũng xảy ra khi bác sĩ và bệnh nhân có vấn đề trục trặc trong giao tiếp. Ví dụ, có một nghiên cứu được tài trợ thực hiện bởi Cơ quan Nghiên cứu và Quản lý Chất lượng chăm sóc sức khỏe (Agency for Healthcare Research and Quality: AHRQ) tìm thấy rằng các bác sĩ thường không giải thích đủ để giúp cho bệnh nhân có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định. Khi bệnh nhân không hiểu rõ sẽ ít có khả năng hợp tác và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ.
Vậy bạn có thể làm những gì?
Hãy quan tâm hơn vào việc chăm sóc sức khỏe của con bạn
1. Cách quan trọng nhất mà có thể giúp bạn ngăn ngừa các sai lầm là bạn phải là một thành viên tích cực trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho con của bạn.
Điều đó có nghĩa là tham gia vào mọi quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của con bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng những bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn việc chăm sóc con mình thì sức khỏe của con bạn sẽ được tốt hơn.
Về việc sử dụng thuốc.
2. Hãy cung cấp cho tất cả các bác sĩ khám bệnh cho con của bạn biết về tất cả các loại thuốc mà con bạn đang dùng và trọng lượng của bé. Bao gồm tất cả thuốc được kê toa và cả thuốc không được kê toa, cũng như các thuốc bổ như vitamin và cả thuốc thảo dược.
Ít nhất một lần mỗi năm, hãy mang tất cả các loại thuốc của con bạn và của bạn đến bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn xem xét các thuốc có còn sử dụng được hay không. Bác sĩ có thể cập nhật tiền căn sử dụng thuốc và trọng lượng của con bạn vào hồ sơ bệnh án lưu trữ của bé, điều này có thể giúp con bạn có được chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
3. Hãy cung cấp cho bác sĩ khám bệnh cho con của bạn về tiền căn dị ứng và phản ứng với thuốc của bé Điều này có thể giúp bé tránh phải dùng một loại thuốc có thể gây tổn hại cho bé.
4. Phải chắc chắn rằng bạn có thể đọc được đơn thuốc khi bác sĩ viết cho con của bạn.
Nếu bạn không đọc được chữ viết tay của bác sĩ, và cả dược sĩ của bạn cũng không thể, hãy đề nghị bác sĩ sử dụng chữ in để viết toa hoặc in toa thuốc bằng vi tính.
5. Khi bạn mua thuốc từ hiệu thuốc,hãy hỏi: Đây có đúng là loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa cho con tôi?
Theo một nghiên cứu của Đại học của Trường Đại học Y Dược Massachusetts đã phát hiện ra rằng 88% các sai sót trong y khoa liên quan đến việc cho không đúng thuốc hoặc cho sai liều.
6. Hãy yêu cầu thông tin để bạn có thể hiểu rõ ràng về thuốc của bé, khi được kê toa thuốc và khi bạn nhận được thuốc trong bệnh viện hoặc tại nhà thuốc.
- Tên của loại thuốc này là gì?
- Thuốc có tác dụng gì?
- Liều thuốc này được cho có thích hợp với trọng lượng của con tôi không?
- Con tôi phải uống thuốc mấy lần, và uống trong bao lâu?
- Thuốc có thể có tác dụng phụ gì? Nếu tác dụng phụ xảy ra thì tôi phải làm gì?
- Thuốc này có an toàn cho con của tôi khi uống chung với các loại thuốc khác hay không?
- Khi dùng thuốc này con tôi nên tránh ăn, uống thực phẩm gì hoặc có cần tránh các hoạt động gì không?
- Khi nào tôi sẽ thấy con tôi khỏe hơn?
7. Nếu bạn có thắc mắc về các hướng dẫn trên toa thuốc của con mình, bạn hãy hỏi ngay.
Một số toa thuốc có thể khó hiểu. Ví dụ như hỏi xem "bốn liều mỗi ngày" có nghĩa là dùng một liều mỗi 6 giờ hay là lúc nào cũng được miễn sao đủ bốn lần là được.
8. Hãy hỏi dược sĩ nên dùng dụng cụ nào tốt nhất để lường thuốc nước cho con của bạn. Ngoài ra, bạn cần hỏi nếu bạn không biết chắc cách sử dụng dụng cụ lường thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy nhiều phụ huynh không biết lường các loại thuốc nước đúng cách. Ví dụ, nhiều người sử dụng muỗng cà phê sử dụng thông thường trong nhà để lường thuốc nước, thường muỗng này không đúng là muỗng cà phê lường thuốc thực sự, không đủ 5ml. Nên sử dụng dụng cụ lường thuốc được để theo chai thuốc, hoặc dùng ống tiêm thuốc có đánh dấu từng ml giúp đo lường liều lượng thuốc chính xác.
9. Bạn hãy yêu cầu các nhân viên y tế ghi cho thông tin về các tác dụng phụ của thuốc mà con bạn dùng có thể xảy ra.
Nếu bạn biết trước những tác dụng phụ gì có thể xảy ra, bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn. Bằng cách đó, bạn có thể báo cáo các vấn đề bất thường ngay lập tức và sẽ nhận được sự giúp đỡ trước khi triệu chứng nặng hơn. Một nghiên cứu thấy rằng thông tin về các loại thuốc bằng văn bản có thể giúp mọi người nhận ra tác dụng phụ của thuốc. Nếu con của bạn gặp các tác dụng phụ xảy ra, phải báo cáo cho các bác sĩ và dược sĩ ngay lập tức.
Nếu khi con bạn đang nằm Bệnh viện thì bạn cần làm gì? Xin mời xem kỳ sau
Dịch từ AHRQ (Agency for Healthcare Research and Quality) Publication No. 02-P034 - Current as of September 2002
Đăng bởi: BS.CKII.Trịnh Hữu Tùng - TP. KHTH
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021