Bấm vào hình để xem kích thước thật

Kháng sinh : đừng để vi trùng coi thường

Ngày đăng:  13/09/2012

 
Lượt xem: 27338

Khi chúng ta hoặc con cháu chúng ta bị sốt, ho, sổ mũi, đau họng, điều đầu tiên ta thường nghĩ đến là chạy ra tiệm thuốc tây mua 1 liều kháng sinh xài đỡ trước đã, sau đó tính gì thì tính. Có bao giờ ta tự hỏi kháng sinh là gì không, tại sao ta phải dùng đến kháng sinh?

Bình thường, trong cơ thể mỗi người đều có một đội quân chiến đấu luôn túc trực sẵn sàng (hệ miễn dịch). Nếu có một con vi sinh vật nào đó lọt vào trong cơ thể tính tấn công chúng ta, lập tức đội quân chiến đấu sẽ tiêu diệt kẻ thù ngay. Tuy nhiên, đôi khi lực lượng quân địch hùng hậu quá hoặc lực lượng chiến đấu của ta yếu kém quá, cơ thể của chúng ta phải cần đến viện binh để chiến thắng. Nếu quân địch là các loại vi trùng thì viện binh của cơ thể ta chính là kháng sinh. Kháng sinh được hiểu là “kháng” lại sự “sinh sống” của các “sinh vật”. Kháng sinh có thể trực tiếp tiêu diệt vi trùng (diệt khuẩn) hoặc  làm cho chúng yếu đi (kiềm khuẩn) để cơ thể tiếp tục tiêu diệt chúng.

 

Vậy khi nào và bị bệnh gì thì nên sử dụng kháng sinh ?

Như đã đề cập, kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi trùng (vi khuẩn) mà thôi. Nếu bị bệnh không do vi trùng thì có sử dụng kháng sinh tốt như thế nào, liều mạnh như thế nào cũng không thể hết bệnh được. Đa số những bệnh thông thường như cảm ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng, nhức mỏi, nóng sốt đều là do siêu vi gây ra. Các bệnh như viêm họng, viêm tai, viêm phế quản cũng thường do siêu vi gây ra, ta không nên sử dụng kháng sinh ngay từ đầu. Nếu sau 2-3 ngày mà bệnh không thuyên giảm hay nặng hơn, ta nên đi khám bệnh để bác sĩ đánh giá xem bệnh có phải do nhiễm trùng hay bệnh do siêu vi bị bội nhiễm thêm vi trùng. Chỉ những trường hợp này, kháng sinh mới thật sự có hiệu quả.

 

Nếu bệnh không do vi trùng mà lỡ uống kháng sinh thì có sao không ?

Đầu tiên là tốn tiền không cần thiết. Kế đến là các cơ quan trong cơ thể như gan, thận phải làm việc cật lực để đào thải thuốc ra ngoài, chưa kể thuốc có thể gây tác dụng phụ như dị ứng mề đay, nặng hơn có thể gây sốc phản vệ chết người. Một số kháng sinh còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong đường ruột gây nên tình trạng loạn khuẩn, gây tiêu chảy hoặc dễ nhiễm nấm. Và điều đáng lo nhất khi sử dụng kháng sinh không hợp lý chính là gây nên tình trạng kháng thuốc. Vi trùng vốn đang thường trú trên da niêm, chưa đạt được đủ số lượng để gây bệnh, nay cứ tiếp xúc với kháng sinh sẽ sinh ra đột biến thành loại vi trùng “rằn ri”, không còn nhạy với kháng sinh đó nữa. Khi chúng gây bệnh thì kháng sinh đã trở nên vô hiệu, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.

 

Nếu đúng bệnh do vi trùng gây ra thì sử dụng kháng sinh có cần phải lưu ý gì không ?

Vi trùng nếu còn nhạy kháng sinh thì bệnh thường thuyên giảm dần sau 1-2 ngày, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm họng mủ, viêm tai giữa mủ, viêm phổi… Nhiều người thấy đỡ bệnh liền ngưng không dùng kháng sinh tiếp nữa mà không biết như vậy gây tác hại vô cùng : vi trùng chỉ mới bị tiêu diệt một phần sau vài liều kháng sinh, số còn sống sót sẽ tiếp tục phát triển, sinh sôi nẩy nở làm bệnh tái phát. Một số trường hợp bệnh tái phát còn nặng hơn trước, lúc này sử dụng lại kháng sinh cũ không còn hiệu quả nữa do vi trùng đã lờn thuốc ! Do vậy, thông thường kháng sinh được sử dụng từ 5-7 ngày, có khi từ 10-14 ngày hoặc lâu hơn tùy theo bệnh nhiễm trùng ở vị trí nào và nặng nhẹ ra sao.

Điều cũng quan trọng không kém là liều lượng thuốc kháng sinh. Nếu uống đủ thời gian mà lượng thuốc không đủ thì cũng không tiêu diệt được vi trùng. Đối với trẻ em, liều thuốc được tính theo cân nặng. Nếu trẻ béo phì thì liều thuốc sẽ được điều chỉnh theo cân nặng lý tưởng. Trẻ em vốn khó uống thuốc và uống vào hay bị ói ra nên lượng thuốc thường dễ bị thiếu. Để khắc phục tình trạng này, thị trường đã có những loại kháng sinh dạng xi-rô hoặc dạng gói dễ pha và có mùi vị thơm ngon, trẻ em thích. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc cần để xa tầm tay của trẻ kẻo trẻ thấy ngon lại uống hết !

Điều quan trọng cuối cùng là khoảng cách giữa các liều. Nếu một loại thuốc kháng sinh được cho uống 3 lần/ngày thì điều đó có nghĩa là 8 tiếng uống một lần. Nhiều khi toa thuốc ghi đơn giản “sáng-chiều-tối”, ta lại uống thuốc vào lúc 10 giờ sáng, 2 giờ chiều và 6 giờ tối ! Như vậy khoảng cách từ 6 giờ tối đến 10 giờ sáng hôm sau, cơ thể không có đủ nồng độ thuốc để diệt trùng, càng làm tăng nguy cơ vi trùng đề kháng kháng sinh.

 

Thực tế tại Việt nam ra sao ?

Hiện nay, tại Việt nam, kháng sinh được bán rộng rãi không cần toa bác sĩ kể cả những loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất. Bác sĩ nhiều khi cũng chiều theo ý bệnh nhân, cho sử dụng kháng sinh bao vây hoặc đổi kháng sinh liên tục hoặc sử dụng kháng sinh mạnh cho bệnh nhẹ (dùng dao mổ trâu để giết gà !). Tất cả những điều này đều khiến cho vi trùng càng đề kháng kháng sinh hơn nữa.

 

Tóm lại, chỉ cần nhớ những ý chính sau :

-       Chỉ dùng kháng sinh trong bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh trở nặng thêm sau 2-3 ngày.

-       Dùng kháng sinh đủ thời gian

-       Đủ liều

-       Khoảng cách giữa các liều cân đối

Nếu không, ta sẽ giống như bị tước hết vũ khí và phải “tay không đánh giặc”!

Đăng bởi: Ths.Bs.Bùi nguyễn Đoan Thư

[Trở về]

Các tin khác