Phòng bệnh khi thay đổi thời tiết
Ngày đăng: 14/08/2011
Lượt xem: 23796
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nên mỗi khi giao mùa, khí hậu nước ta thường thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng không mong muốn. Nhạy cảm như trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi chuyển mùa từ nắng sang mưa, từ khô sang ẩm, lạnh, càng cần phải đặc biệt chú ý và chăm sóc sức khỏe cẩn thận.
Khi thời tiết thay đổi, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khí hậu là da và đường hô hấp. Thường da của chúng ta sẽ khô ráp hơn, có khi có cảm giác bong tróc , hơi rát và có khi khô da, bong vẩy . Ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ có cơ địa dị ứng, như cha hay mẹ có tiền căn viêm mũi dị ứng , nồi mề đay hay suyễn, trẻ dễ bị khô da và nếu không kịp thời phòng ngừa , thì khô da dễ dẫn đến chàm da.
Khi trời se lạnh hơn , không khí vào đường thở của bé không được sưởi ấm ( do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn), trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp , dễ bị nhiễm virus hơn, biểu hiện bằng hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè, nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Những trẻ có tiền căn dị ứng , khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi , sẽ dễ làm khởi phát cơn suyễn.
Những triệu chứng báo hiệu cơ thể có thể bị tác động của thời tiết:
- Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt sống .
- Ho khan hoặc ho khò khè.
- Cảm giác ớn lạnh, rùng mình, ở trẻ nhỏ da lạnh hoặc nổi bông , có thể là triệu chứng trẻ sắp sốt cao .
- Buồn nôn hay tiêu lỏng ,…
Những bệnh lý hay gặp khi thay đổi thời tiết là: Viêm hô hấp trên, viêm thanh khí phế quản, viêm phế quản, tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, viêm da,…
Do đó khi thời tiết chuyển sang lạnh , phụ huynh nên lưu ý:
- Giữ ấm cho trẻ, mang vớ đội mũ khi ra ngoài. Trong phòng, nên giữ ấm và thông thoáng cho trẻ.
- Cho trẻ uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm.
- Bú sữa mẹ nhiều nếu được vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể. Ngoài sữa nên ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng , nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể.
- Chích ngừa đầy đủ.
- Khi da bé hơi khô, nên bôi những loại kem giữ ẩm cho bé.
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày, ngay cả khi trời lạnh , nhưng bằng nước ấm.
- Khi bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông , tăng cường miễn dịch.
- Khi trẻ bệnh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.
Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh - TK.Dịch vụ 1
Các tin khác
Ho ở trẻ là phản xạ có lợi 18/09/2023
Tác Hại Của Thuốc Lá Điện Tử 30/05/2023
Cảnh giác dị vật đường thở 24/02/2021
Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Đường Hô Hấp Trên 22/10/2020
5 cách để quản lý suyễn 25/09/2018