Bấm vào hình để xem kích thước thật

Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Mhi đồng 2 lần thứ 31: Phiên Ngoại Nhi thành công rực rỡ

Ngày đăng:  24/07/2024

 
Lượt xem: 1099

Nằm trong khuôn khổ “Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2 lần thứ 31 năm 2024” diễn ra trong 2 ngày 18-19/7/2024 với 22 phiên làm việc, 124 bài báo cáo khoa học từ các chuyên gia Nhi khoa đầu ngành trong nước và quốc tế.

Hòa chung với không khí khoa học của hội nghị, Phiên thảo luận chuyên ngành Ngoại Nhi đã diễn ra với phiên Huấn Luyện Tiền Hội nghị với chủ đề "Cập nhật điều trị tinh hoàn ẩn" - Chủ trì bởi TS.BS Phạm Ngọc Thạch.

 

Chủ trì Phiên Ngoại Nhi là TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

 

 

 

TS.BS Phạm Ngọc Thạch trao CME và Thư Cảm ơn đến các bác sĩ tham gia báo cáo. Dưới sự dẫn dắt của ông, phiên huấn luyện đã diễn ra vô cùng hiệu quả với sự tham gia tích cực của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Chương trình Huấn luyện tiền hội nghị

Sau 4 bài báo cáo chuyên sâu từ các chuyên gia tiết niệu, phần phẫu thuật thị phạm được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ được chiếu bên ngoài phòng phẫu thuật. Các phẫu thuật viên đã thuyết minh và giải đáp thắc mắc, mang lại cho người xem cảm giác chân thật và nhiều thông tin hữu ích.

 

Thống nhất ý kiến từ các chuyên gia

Trong quá trình thảo luận, nhiều nội dung quan trọng đã được các chuyên gia đồng thuận:

1.    Tuổi phẫu thuật tinh hoàn ẩn: Từ 6 đến 12 tháng tuổi.

2.    Phân loại thuật ngữ:

o   Tinh hoàn ẩn (Cryptorchidism/Undescended testes): Tinh hoàn chưa từng xuống bìu và dừng lại dọc theo đường đi bình thường của tinh hoàn khi đi xuống bìu, chia làm hai nhóm: sờ thấy (80%) và không sờ thấy (20%).

o   Vắng tinh hoàn (Absent testis): Do bất sản (agenesis) hoặc teo thứ phát (vanishing testis) do sự tổn thương mạch máu trong tử cung (ví dụ, xoắn tinh hoàn trước khi sinh), còn được gọi là hội chứng "tinh hoàn biến mất" hoặc hội chứng thoái triển tinh hoàn.

o   Tinh hoàn lạc chỗ (Ectopic testes): Tinh hoàn hạ xuống bình thường qua lỗ bẹn nông, nhưng sau đó bị chuyển hướng đến vị trí sai lệch. Chúng có thể sờ thấy ở vùng trên xương mu, ống đùi, đáy chậu, túi bẹn nông (phổ biến nhất) hoặc bìu bên đối diện (ít phổ biến nhất).

o   Tinh hoàn co rút (Retractile testes): Tinh hoàn đã hoàn thành quá trình hạ xuống nhưng có thể được tìm thấy trong bẹn do cơ nâng bìu hoạt động quá mức. Một tinh hoàn co rút có thể được điều khiển vào bìu, nơi nó sẽ ở lại (ít nhất là tạm thời) sau khi được thả ra. Ngược lại, tinh hoàn chưa hạ sẽ rút vào bẹn ngay lập tức. Tuy nhiên, tinh hoàn co rút có thể không bình thường và nên được theo dõi hàng năm trong suốt thời thơ ấu, vì 30% sẽ hạ xuống, 38% vẫn co rút và 32% sẽ leo lên (trở thành "tinh hoàn ẩn").

o   Tinh hoàn đi lên (Ascending testes): Tinh hoàn được ghi nhận ở vị trí bìu trong thời thơ ấu và sau đó "leo lên" và trở thành tinh hoàn ẩn (tức là tinh hoàn ẩn mắc phải).

 

Phẫu thuật

  • Tinh hoàn ẩn 2 bên sờ thấy: Phẫu thuật hạ tinh hoàn 2 bên trong cùng một cuộc mổ.
  • Tinh hoàn ẩn 2 bên trong ổ bụng:
    • Nếu làm Stephen-Fowsler 1: Chọn bên nào dễ làm trước, 6 tháng sau sẽ làm bên còn lại.
    • Nếu làm Stephen-Fowsler 2 cho cả 2 bên: Mổ thì 1 (triệt mạch máu sinh dục) cho bên nào dễ làm trước, 6 tháng sau sẽ làm thì 2 và sẽ mổ thì 1 cho bên đối diện, 6 tháng sau làm thì 2 cho bên đối diện.
  • Thoát vị bẹn nghẹt kèm tinh hoàn ẩn cùng bên trên trẻ nhỏ (< 6 tháng tuổi): Phẫu thuật thoát vị bẹn cùng lúc với tinh hoàn ẩn để tránh biến chứng chèn ép mạch máu tinh hoàn.
  • Đường mổ bìu (Bianchi): Một lựa chọn an toàn và hiệu quả trong phẫu thuật tinh hoàn ẩn cho các trường hợp tinh hoàn có thể kéo xuống lỗ bẹn nông hoặc gốc bìu.

 

Trong ngày Hội nghị chính thức, các chuyên gia ngoại nhi đã tập trung chia sẻ các chủ đề về: Ngoại tổng hợp và Ung bướu trẻ em; Gan Mật Tuỵ - Ghép gan và Niệu nhi; Chỉnh trực và Gây mê hồi sức. Với 16 bài báo cáo do các chuyên gia Ngoại nhi đầu ngành từ các bệnh viện, các trường Đại học Y khoa chia sẻ. Chương trình đón tiếp các chuyên gia chủ toạ đoàn và các báo cáo viên: PGS.TS.BS Trương Nguyễn Uy Linh - Chủ nhiệm bộ môn Ngoại nhi - Đại học Y Dược TP.HCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thanh – Trưởng bộ môn Gây mê hồi sức – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; TS.BS Võ Quang Đình Nam – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình; TS.BS Trương Đình Khải - Bộ môn Ngoại Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM; ThS.BS Nguyễn Thị Bích Uyên - Bộ môn Ngoại Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM; ThS.BS Nguyễn Thị Bích Uyên - Bộ môn Ngoại Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM; ThS.BS.CK2 Nguyễn Phi Phong - Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Phụ Sản-Nhi Đà Nẵng; ThS.BS Huỳnh Minh Mẫn - Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố; cùng các y bác sĩ lãnh đạo, cán bộ giảng của bệnh viện Nhi đồng 2.

 

 

Hình ảnh các chuyên gia báo cáo tại hội nghị

 

Kết luận

 

 

Nội dung đầy thực tiễn, phiên Ngoại nhi đã thu hút hơn 140 bác sĩ ngoại khoa từ các bệnh viện tại TP.HCM (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố), cùng các bệnh viện tuyến tỉnh như bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, Sản Nhi Đà Nẵng…. Song song các chủ đề, nhiều câu hỏi được đại biểu đặt ra trong phần thảo luận đã được các chuyên gia phản hồi. Phiên Ngoại nhi tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật bệnh viện Nhi đồng 2 lần thứ 31 đã diễn ra thành công tốt đẹp hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại nhiều giá trị cho lĩnh vực Ngoại Nhi trong tương lai. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam.

 

Tác giả: Ths.Bs Phan Lê Minh Tiến – Khoa Thận Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2

 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác