Bệnh Bạch Hầu – Hiểu để phòng ngừa hiệu quả
Ngày đăng: 24/06/2020
Lượt xem: 5707
Báo Người Lao Động ngày 21/6 tin về 2 ca bạch hầu tại Daknong, trong đó 1 bé đã tử vong, bé còn lại đang nguy kịch... và hơn 1.200 người đang phải cách ly để ngăn ngừa dịch bệnh.
Thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hẳn các bạn cũng đã rất quen thuộc với tên gọi của bộ ba tiêm chủng Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà.
Và 1.200 người đang được cách ly để ngăn ngừa dịch bệnh.
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
Bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản, hay nhiễm trùng da. Các triệu chứng sớm bao gồm mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, và sốt nhẹ. Sau đó sẽ xuất hiện sưng hạch cổ, chảy mũi nhiều nhầy mủ hay lẫn máu và một màng trắng sẽ hình thành ở vách ngăn mũi hoặc bám trên amidan, vòm họng gây tắc nghẽn đường thở.
Vì sao bệnh Bạch hầu lại được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng?
Bệnh bạch hầu thường rất nặng nề. Các biến chứng của bệnh bao gồm tắc nghẽn đường thở (do giả mạc), tổn thương cơ tim (viêm cơ tim), tổn thương dây thần kinh (bệnh đa dây thần kinh), liệt, viêm phổi. Tỷ lệ tử vong chung của bệnh là 5% – 10%, nhưng lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Một điều quan trọng cần cảnh báo là, nhờ có vaccin ngừa bệnh, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ tử vong ở những người không được chủng ngừa bị mắc bệnh gần như không giảm trong suốt 50 năm qua: ngay cả nếu được điều trị, vẫn có 10% bệnh nhân tử vong; còn nếu không được điều trị thì 50% tử vong.
Ngoài ra, điều đáng lo ngại hơn cả là khả năng lây qua đường hô hấp, qua da của bệnh này rất lớn. Như vậy, bạn thấy đó, điều quan trọng nhất để đối phó với vi khuẩn bạch hầu là phải chủng ngừa.
(hình ảnh giả mạc vùng hầu họng ở trẻ bị bệnh bạch hầu)
Hãy rà soát lại xem đã tiêm đủ và tới lúc phải tiêm nhắc cho con mình không nhé!
- Vaccin bạch hầu nằm trong các vaccin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1 hay 6 trong 1 cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi;
- Lịch chủng ngừa thông thường là 4 liều lúc 2, 4, 6, và 15 – 18 tháng tuổi. Tiêm nhắc 1 liều khi bé 4 – 6 tuổi; Tổ chức CDC cũng khuyến cáo 1 liều nhắc nữa lúc 11 -12 tuổi.
Vì bệnh dễ lây lan và rất trầm trọng, hãy mang bé đến cơ quan y tế để chủng ngừa đầy đủ các liều bạn nhé!
Đăng bởi: TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương (Bộ môn Nhi - ĐHYD Tp.HCM)
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023