Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phòng ngừa bệnh Tay-chân-miệng

Ngày đăng:  03/01/2014

 
Lượt xem: 23519

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm và xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Ở phía Nam, bệnh  tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) .  Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là  ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các nguy cơ lây truyền bệnh, nhất là  trong các đợt bùng phát dịch.

Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, bệnh lây truyền qua đường "phân - miệng" và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,.... nhất là khi bệnh nhân hắt hơi , nói chuyên. Đa số bệnh tay chân miệng có dự hậu tốt, tuy nhiên bệnh do EV71 thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện chính là tổn thương da -niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trớ kịp thời.

 

Cần nhắc lại là đa số tiên lượng tốt nên bệnh chủ yếu được điều trị tại nhà, phụ huynh không nên hoảng hốt khi được Bs chẩn đoán là tay chân miệng.

 

Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sốt, phát hiện sớm những triệu chứng thần kinh như giật mình, hốt hoảng, nôn ói hay tiêu lỏng, và điều trị biến chứng, đảm bảo vệ sinh răng miệng, thân thể, đảm bảo cung cấp nước , dinh dưỡng cho trẻ.

 

Đi khám lại ngay khi có dấu hiệu nặng như:

 - Sốt cao liên tục ≥ 39ºC khó hạ,

- thở mệt hay thở yếu, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều,

- giật mình, chới với, run chi, quấy khóc,

- Bứt rứt khó ngủ, yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê.

 Hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng bệnh phổ cập, áp dụng phòng bệnh cho bệnh lây qua đường tiếp xúc.

Các biện pháp phòng ngừa:

-Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi .

- Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi.

-Rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi cầu.

-Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh.

-Cho trẻ ăn uống đầy đủ và ngủ chơi hợp lý.

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh - TK.Dịch vụ 1

[Trở về]

Các tin khác