Sán dải heo
Ngày đăng: 16/03/2019
Lượt xem: 8078
Trong tình hình hiện nay, khi thông tin có nhiều học sinh ở phía bắc bị nhiễm sán dải heo khiến các bậc phụ huynh hoang mang đưa con kiểm tra sức khỏe, ban website xin được gửi đến các quý phụ huynh một số thông tin cần thiết về bệnh này.
Sán dải heo (sán dải lợn hay sán lợn) có tên khoa học Taenia solium. Loài này ký sinh trong cơ thể heo và con người, phân bố ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, và một phần của Nam Âu, và một số nơi ở Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm sán dải heo vùng đồng bằng từ 0,5 – 2%, vùng trung du và miền núi là 3,8 – 6%
Tỉ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào thói quen ăn uống, nhất là ở những nơi có tập tục ăn thịt heo sống, chưa nấu chín.
Hình ảnh thịt heo gạo
Có 2 thể bệnh:
- Bệnh ấu trùng sán heo: người ăn phải trứng sán heo trong thức ăn, sau khi nuốt phải, trứng sán vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt…
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong các thớ cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đậu, di động dễ, không ngứa, không đau; nếu nang sán nằm trong não, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, động kinh, yếu liệt; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Hình ảnh MRI não điển hình cho thấy nhiễm sán dải heo trong nhu mô não (mũi tên vàng), trong hốc mắt (mũi tên đỏ) và trong mô mềm dưới da đầu và cổ (mũi tên xanh)
- Bệnh sán trưởng thành ở ruột: người bệnh ăn phải thịt heo chưa chín có chứa các nang sán (heo gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dải trưởng thành. Sán dải trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ sán, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, chiều dài của sán trưởng thành có thể 2 – 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm sau đó.
Bệnh sán dải heo trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt, có thể đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Người bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Phòng ngừa
- Không ăn các thực phẩm sống như thịt heo sống, nem chua, thịt heo tái (nguy cơ nhiễm sán dải heo trưởng thành), rau xanh không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán heo).
Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Khoa Nhiễm)
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023