Ca mổ cực khó 9 tiếng cắt bỏ thành công khối tá tụy chứa U kích thước lớn (phẫu thuật Whipple) kèm tạo hình tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Ngày đăng: 23/10/2017
Lượt xem: 11939
Đó là trường hợp của bệnh nhi NTTN, 14 tuổi, ở Kiên Giang, bị khối u đầu tụy rất lớn 10 cm đè ép vào các cơ quan lân cận.
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám Đốc, phụ trách khối ngoại BV Nhi Đồng 2, U tụy ở trẻ em hay gặp nhất là u đặc giả nhú (tiếng anh là solid pseudopapillary tumor) là loại u giáp biên ác tính có tiên lượng khá tốt phát triển chậm nhưng có thể xâm lấn tại chỗ, tái phát và di căn. Loại thứ hai hay gặp là u nguyên bào tụy, một loại u ác tính, tiên lượng xấu hơn. Cho dù là loại nào điều trị triệt để vẫn là phẫu thuật cắt trọn khối u. Tuy nhiên đối với các loại u nằm ở vị trí đầu tụy, để cắt trọn khối u, BS phẫu thuật phải thực hiện phẫu thuật Whipple. Đây là một phẫu thuật lớn, vô cùng phức tạp chứa nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng do cùng lúc phải cắt bỏ nhiều cơ quan trong khi các cơ quan này bao quanh các mạch máu quan trọng, dễ bị tổn thương khi bóc tách gây nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa trong trường hợp này khối u quá lớn còn có thể xâm lấn vào mạch máu khiến cuộc mổ phức tạp hơn nhiều lần.
Ngày 15/09/2017 vừa qua, ê kip phẫu thuật BV Nhi Đồng 2, đứng đầu là ThS.BS Vũ Trường Nhân – phó khoa Ngoại tổng hợp, đã thực hiện cuộc mổ để loại bỏ khối u nói trên. “Đúng như đã dự đoán, khối u có kích thước rất lớn và dính nhiều vào các cấu trúc xung quanh, đặc biệt là toàn bộ động mạch nuôi gan và chúng tôi đã cẩn thận tách ra được. Tuy nhiên khi chúng tôi bộc lộ được phía trên và dưới khối u, cả ê kip mổ bàng hoàng phát hiện khối u này đã xâm lấn vào thành của tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách. Chúng tôi lập tức thay đổi chiến lược, cắt toàn bộ khối u cùng với mạch máu, sau đó tái tạo lại tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách bằng tĩnh mạch mạc treo tràng dưới của bệnh nhi. Ca mổ khó khăn này hoàn thành sau 9 giờ căng thẳng và bệnh nhi chỉ mất 300ml máu. Đây là một kết quả ngoạn mục bởi vì nếu như không có chiến lược tốt, BS phẫu thuật dễ dàng làm vỡ u hoặc chỉ dừng lại sinh thiết u nhưng nguy hiểm hơn là có thể gây tổn thương mạch máu nghiêm trọng khiến bệnh nhi mất máu khó kiểm soát ảnh hưởng đến tính mạng.” Ê kíp mổ cho biết.
GS BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ngoại khoa của BV Nhi Đồng 2 cho biết “Trước đây, những khối u có xâm lấn mạch máu như vậy đều được coi là chống chỉ định của phẫu thuật. Nhưng hiện nay sự phát triển của phẫu thuật ghép tạng với các kỹ thuật xử lý và thay thế mạch máu, những khối u như vậy đã không còn là chống chỉ định nữa, đây là một tiến bộ lớn của y học”.
Cuộc mổ chỉ thực sự thành công khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau mổ. Hiện bệnh nhi khỏe mạnh, đã rút ống dẫn lưu ổ bụng, ăn uống ngon miệng, kết quả siêu âm các mạch máu đầu thông tốt và đang chuẩn bị xuất viện.
Một số hình ảnh:
Hình minh họa cho phẫu thuật Whipple (cắt đầu tụy, tá tràng, đường mật, tái lập lưu thông tụy-ruột, mật-tuột và dạ dày-ruột)
Hình CT cho thấy khối u rất lớn chèn ép các cấu trúc xung quanh và hẹp tĩnh mạch cửa
Hình khối u rất lớn xâm chiếm tĩnh mạch cửa trên
Hình khối u rất lớn xâm chiếm tĩnh mạch cửa dưới
Hình tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch lách sau phẫu thuật tạo hình lại
Khối u sau khi cắt trọn gồm đầu tụy, đường mật, tá tràng, hỗng tràng, tĩnh mạch cửa và lách
Nguồn: BS.CK2 Trương Anh Mậu-Phó Khoa Bỏng CTCH
Đăng bởi: ThS. Văn Thị Thùy Linh
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024