Zika truyền bệnh qua trung gian muỗi Aedes
Ngày đăng: 05/02/2016
Lượt xem: 10031
Zika là virus thuộc họ Flaviridae, nhóm Flavivirus chung nhóm virus Dengue gây bệnh Sốt xuất huyết, virus gây bệnh sốt vàng và nhóm các virus gây viêm não (như Viêm não Nhật Bản).
Truyền bệnh qua trung gian muỗi Aedes (chủ yếu là Aedes aegypti). Ngoài ra, việc lây truyền virus Zika qua truyền máu, từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục cũng được ghi nhận.
Tính đến 26/01/2016 theo PAHO (Pan American Health Organization), sự lan truyền virus đã xảy ra ở trên 20 nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Mỹ. Trong đó ghi nhận tại Brazil có sự gia tăng đáng kể từ 3.530 lên 3.893 ca trong 10 ngày từ 16/01. Có 50 trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến bệnh này.
Tím đậm: Phân lập được virus hoạc ghi nhận ca mác tại địa phương
Tím nhạt: chỉ là dữ liệu khảo sát huyết thanh.
Triệu chứng bệnh:
- Khi nhiễm virus Zika, chỉ có 20% bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
- Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt, mệt mỏi, đau khớp, phát ban và viêm kết mạc. Ngoài ra có thể gặp đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài trong 1 tuần và hiếm khi phải nhập viện.
- Thời gian ủ bệnh hiện chưa được biết rõ nhưng có thể trong vòng vài ngày cho đến 1 tuần.
- Biểu hiện nặng của nhiễm virus Zika gây ra rối loạn hệ thần kinh trung ương như viêm não – màng não, viêm tủy…
- Mối liên hệ giữa nhiễm virus Zika và bệnh não nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain Barré được ghi nhận ở 1 số khu vực có dịch Zika.
Chẩn đoán bệnh:
- Do các triệu chứng không đặc hiệu nên dễ lầm lẫn với Sốt xuất huyết Dengue, Leptospira, sốt rét, Rubella, sởi cũng như nhiễm các virus khác.
- Việc chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng cũng như yếu tố dịch tễ gợi ý.
- Chẩn đoán xác định nhiễm virus Zika bao gồm kỹ thuật RT-PCR và phân lập virus trong bệnh phẩm máu.
Điều trị:
Hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Zika. Các điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:
- Nghỉ ngơi
- Bù dịch chống mất nước
- Dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol
- Không dùng aspirin và NSAIDs (ibuprofen) cho đến khi loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.
Trường hợp bị nhiễm virus Zika cần tránh bị muỗi đốt trong vòng 1 tuần đầu của bệnh nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.
Phòng bệnh:
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu.
- Hạn chế đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch Zika bùng phát.
- Kiểm soát du lịch đến Việt Nam ở mức độ “báo động” đối với các nước Trung và Nam Mỹ, vùng Caribbean. Mức độ “quan sát” đối với các nước Thái Lan, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Maldives.
- Đối với du khác đến các nước đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần chú ý phòng và tránh bị muỗi đốt bằng cách:
+ Mặc quần áo dài tay
+ Dùng các thuốc xua muỗi
+ Mắc màn khi đi ngủ
- Khách du lịch khi có bất kỳ triệu chứng giống sốt xuất huyết Dengue hoặc nghi ngờ do virus Zika khởi phát trong vòng 3 tuần sau khi trở về vùng dịch cần đến các cơ sở y tế.
- Phụ nữ có thai đã từng du lịch đến vùng có virus Zika lưu hành cần khai báo cho bác sĩ trong quá trình khám thai để có các biện pháp đánh giá và theo dõi thích hợp.
Đăng bởi: BS. Nguyễn Đình Qui - Phòng KHTH
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023