Học tập và giải trí thiếu khoa học có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng điều tiết của mắt
Ngày đăng: 08/10/2011
Lượt xem: 13370
Cận thị học đường là một trong những chủ đề được nhiều bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi đến trường rất quan tâm. Quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở tuổi học sinh có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt. Để bạn đọc có thêm thông tin cũng như cách phòng ngừa hạn chế cho con trẻ không mắc bệnh cận thị. Website bệnh viện Nhi đồng 2 đã phỏng vấn BS.CK2 Nguyễn Thị Bạch Tuyết – chuyên khoa Mắt :
1. Xin chào BS Tuyết, bác sĩ vui lòng cho biết tật khúc xạ là gì ? Và có mấy loại tật khúc xạ?
BSTuyết : Với mắt bình thường, ánh sáng từ một vật ở xa tập trung chính xác lên bề mặt võng mạc, tạo nên một hình ảnh rõ nét. Tật khúc xạ là tình trạng hệ thống quang học của mắt bị giảm chức năng, không thể tập trung hình ảnh một cách rõ nét lên võng mạc.Tình trạng này làm cho hình ảnh nhìn bị mờ đi. Có 3 loại tật khúc xạ:
- Cận thị (tật nhìn gần) : Là sự sai lệch về khúc xạ khiến các tia sáng tới song song vào mắt sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc.
- Viễn thị (tật nhìn xa): Là sự sai lệch về khúc xạ khiến khi mắt ở trong trạng thái nghỉ ngơi, các tia sáng tới song song vào mắt sẽ hội tụ ở phía sau võng mạc.
- Loạn thị : Là sự sai lệch về khúc xạ khiến các tia ánh sáng hội tụ nhiều điểm trên võng mạc.
2. Bác sĩ có thể đưa ra một số nguyên nhân làm cho mắt bé dễ bị cận thị?
BSTuyết: Nguyên nhân đưa ra thì có nhiều:
- Do tư thế ngồi học sai.
- Do đọc truyện tranh giấy đen, chữ nhỏ.
- Do xem tivi quá nhiều.
- Có học sinh còn tranh thủ đọc trộm truyện tranh dưới ngăn bàn hay chỗ thiếu ánh sáng
- Bàn học không đúng qui cách so với tuổi của bé.
- Ánh sáng đèn học không đúng tiêu chuẩn.
3. Những biểu hiện nào nhận biết trẻ bị cận thị? Hướng điều trị hiện nay tốt nhất cho mắt bé là thế nào?
BSTuyết: Cần lưu ý các dấu hiệu:
- Khi xem tivi hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy.
- Trẻ thường phải chép bài của bạn.
- Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ.
- Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa.
- Dụi mắt mặc dù không buồn ngủ.
- Sợ ánh sáng hoặc chói mắt.
- Không thích các hoạt động liên quan tới thị giác như vẽ hình, tô màu hay tập đọc.
- Khi đọc hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ,….
Hướng xử lý : Cận thị học đường đều có thể được giải quyết bằng việc dùng kính đeo mắt với độ phù hợp và bé có thể nhìn rõ hoàn toàn khi đeo kính.
4. Bác sĩ có lời khuyên nào để hạn chế được cận thị học đường?
BSTuyết : Lứa tuổi mắc cận thị nhiều nhất là 11- 16. Nếu không phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tật cận thị sẽ nặng hơn, thậm chí dẫn đến lác và nhược thị.
- Với trẻ em, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bởi 80% lượng thông tin mà não thu nhận được là qua mắt.
- Phát hiện, theo dõi, chăm sóc những đối tượng mắc bệnh mới, không để diễn biến nặng hơn.
- Khám mắt khi thấy mắt có những biểu hiện bất thường, khám định kỳ tại những cơ sở chuyên khoa Mắt.
- Các biện pháp phòng, chống các bệnh học đường không chỉ được can thiệp ở trường mà còn ở nhà, các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ học, cân đối hợp lý giữa chơi và học trong tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn.
Xin cám ơn Bác sĩ.
Đăng bởi: CN.Lan Phương
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày thị giác thế giới 07/10/2024
Nên làm gì để phòng ngừa sâu răng 22/06/2019
Nhận biết điếc ở trẻ nhỏ 15/07/2018
Hiểu về viêm Amygdal 01/03/2018
Một số thực phẩm tốt cho răng 04/03/2017
Làm cho trẻ vui khi đánh răng ! 24/11/2016