Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tăng đậm độ năng lượng cho chén bột của bé

Ngày đăng:  31/08/2011

 
Lượt xem: 27867

Ăn dặm là thời kỳ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Đây là lúc trẻ chuyển từ chế độ sữa đơn thuần sang một chế độ ăn mới với đậm độ năng lượng tăng lên- tức là phần năng lượng trong một thể tích thức ăn phải cao hơn trong cùng một thể tích sữa. Có như vậy, trẻ mới nhận được đủ nhu cầu năng lượng cần thiết để bắt đầu tập bò, tập đi, tập đứng...

Chén bột quá loãng sẽ không cung cấp đủ năng lượng, nhưng nếu quá đặc cũng làm trẻ ngán và khó ăn, có khi còn khó tiêu hóa. Ăn dặm cũng cung cấp cho trẻ nhiều đạm, tinh bột, béo, sắt, kẽm, canxi, nhiều chất xơ... hơn để trẻ thích nghi trong giai đoạn phát triển mới. Nhu cầu của trẻ tăng lên như vậy nhưng thể tích dạ dày còn nhỏ, chúng ta chưa thể tăng đột ngột lượng thực phẩm đưa vào trong mỗi bữa ăn, cũng như chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn, các men tiêu hóa cũng chưa hoàn toàn hoàn thiện như người trưởng thành, do đó phải có thức ăn dễ tiêu hóa và cân đối dinh dưỡng. Đây cũng là lúc trẻ làm quen với các mùi vị thức ăn đa dạng và hình thành nên khẩu vị cũng như thói quen ăn uống về sau. Vì vậy, thức ăn được chế biến như thế nào để trẻ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng mà vẫn cảm nhận được trung thực mùi vị của từng thực phẩm, giúp trẻ cảm nhận và thích thú khám phá các món ăn, đồng thời đảm bảo được tiêu hóa, hấp thu tốt là rất quan trọng. Chén bột của trẻ trong lứa tuổi ăn dặm phải đạt yêu cầu đầy đủ chất, cân đối các thành phần, giàu năng lượng, dễ tiêu hóa, hấp thu, có mùi vị ngon. Chúng ta phải chú ý đến việc tô màu chén bột và tăng đậm độ năng lượng chén bột để tránh tình trạng suy dinh dưỡng protein- năng lượng cũng như tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn khá cao ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trong lứa tuổi ăn dặm ở nước ta như hiện nay, nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển thể chất và trí tuệ hoàn chỉnh lúc trưởng thành.

Những biện pháp làm tăng đậm độ năng lượng của chén bột là nấu đủ lượng tinh bột, cho đủ chất béo, và làm loãng chén bột đã nấu. Các chuyên gia dinh dưỡng luôn nhắc nhở bà mẹ nhớ bổ sung 1 muỗng canh dầu ăn trong 1 chén bột hay chén cháo của trẻ, như vậy trẻ mới nhận được đủ năng lượng và đáp ứng được nhu cầu chất béo cao dành cho phát triển các tế bào và đặc biệt là phát triển hệ thần kinh.

Tinh bột cũng rất cần trong giai đoạn này, vì cung cấp nguồn carbohydrate là nhiên liệu cho hoạt động của toàn cơ thể, trong đó quan trọng nhất vẫn là não và hệ cơ xương. Tinh bột là carbohydrate phức, tức là gồm nhiều phân tử nhỏ kết hợp lại, cần tác động của men tiêu hóa (chủ yếu là amylase nước bọt, amylase tụy, một số men disaccharide ở ruột non...)để phân cắt nhỏ ra dần dần rồi mới hấp thu vào máu, do đó thường không làm tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn rồi giảm nhanh làm cơ thể mệt mỏi như khi ăn các loại đường đơn giản (đường mía, đường trong bánh kẹo, đường trái cây...). Với cấu trúc phân tử lớn như vậy nên áp lực thẩm thấu của tinh bột thấp hơn so với đạm và đường đơn, do đó ít gây rối loạn tiêu hóa hơn. Trong các nhóm chất dinh dưỡng thì tinh bột là nhóm chất dễ tiêu hóa và hấp thu nhất đối với trẻ vì các men tiêu hóa tinh bột trưởng thành sớm, tinh bột là thực phẩm nền trong tháp dinh dưỡng của mọi lứa tuổi, cần được cung cấp đủ trong mỗi bữa ăn. Nguồn ngũ cốc cung cấp tinh bột cũng là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng, giúp trẻ tạo khối phân tốt và giúp trẻ đi cầu đều đặn, dễ dàng.

Có nhiều biện pháp được áp dụng để cung cấp đủ lượng tinh bột và tăng hấp thu tinh bột cho cơ thể. Hầm gạo kỹ khi nấu cháo sẽ giúp gạo nở ra tốt, tinh bột được phân cắt ngắn dưới tác động của nhiệt độ, dễ tiêu hóa nhưng lượng tinh bột cung cấp lại ít hơn so với trong 1 chén bột khuấy, thường chỉ thích hợp khi trẻ có dung tích dạ dày đủ lớn để ăn hết cả chén to (10-12 tháng trở đi). Trong giai đoạn đầu tập ăn dặm, chúng ta thường dùng bột để có nhiều tinh bột trong bữa ăn hơn. Bà mẹ thường được khuyên ngâm gạo, sau đó sấy khô và đem xay thành bột nấu để bột dễ tiêu hóa hơn. Hoặc chúng ta có thể dùng một số men để làm loãng chén bột nấu đặc, đó là dùng giá hay một số loại rau mầm, bột mộng... có nhiều amylase để nấu bột cho trẻ. Trong công nghiệp chế biến bột ăn dặm, người ta áp dụng công nghệ để xử lý bột gạo với men amylase giúp tinh bột được cắt ra thành chuỗi ngắn hơn, dễ tiêu hóa và hấp thu hơn, đó là công nghệ CHE (Cereals Hydrolysed Enzymatically). Bột được xử lý bằng công nghệ này sẽ dễ tan trong nước, mịn màng hơn, có mùi vị thơm nguyên thủy của gạo, có vị ngọt tự nhiên, giúp chúng ta dễ dàng tăng số lượng tinh bột trong cùng một chén nên có đậm độ năng lượng cao và dễ phối hợp với các thực phẩm khác để làm đa dạng bữa ăn.

Đăng bởi: BS.Nguyễn Thị Thu Hậu - TK.Dinh dưỡng

[Trở về]

Các tin khác