Bấm vào hình để xem kích thước thật

Dinh dưỡng trong Bệnh tiêu chảy

Ngày đăng:  21/09/2010

 
Lượt xem: 13520

Tiêu chảy chia ra tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn. Tiêu chảy mạn sẽ kéo dài trên 14 ngày, còn khởi đầu thì vẫn có thể đột ngột như tiêu chảy cấp. Trong điều trị cũng như trong hỗ trợ dinh dưỡng của 2 loại tiêu chảy này sẽ có những điểm khác biệt.

 

Với tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là bù nước, và cho ăn lại sớm. Các nghiên cứu khoa học cho thấy cho ăn sớm sẽ giúp trẻ giảm tiêu chảy nhanh hơn, khả năng hồi phục tốt hơn và lấy lại sự ngon miệng sau bệnh sớm hơn. Trẻ có thể sử dụng sữa mẹ, sữa công thức bình thường, và các thức ăn đặc khác như cháo, cơm mềm, phở… Sữa không chứa lactose hay sữa thủy phân chỉ được chỉ định trong 1 vài trường hợp đặc biệt, hoặc khi lượng phân tăng lên đáng kể sau khi sử dụng sữa công thức bình thường. Các loại thức ăn đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong tiêu chảy cấp là thức ăn từ gạo (cháo, bún, phở, cơm mềm), lúa mì (bánh mì, bánh làm từ bột mì khác …), đậu, khoai tây, gà và trứng. Nói chung, nên dùng chế độ ăn cân đối, giảm bớt chất xơ không tan (rau, 1 số trái cây), chế độ ăn giàu carbohydrate phức (tinh bột), giàu thịt (nhất là thịt gà), và sữa hàng ngày vẫn  được dùng.

 

            Bệnh nguyên của tiêu chảy mạn được chia làm 4 nhóm: tiêu chảy thẩm thấu, xuất tiết, rối loạn nhu động ruột và do nhiễm trùng. Việc điều trị và can thiệp dinh dưỡng sẽ phụ thuộc nguyên nhân bệnh, và trong trường hợp tiêu chảy mạn chế độ ăn nên được tham vấn thêm bởi bác sĩ dinh dưỡng.

 

            Tiêu chảy mạn do thẩm thấu thường liên quan đến việc cơ thể không hấp thu được một số chất, những chất này làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, kéo nước vào và gây ra mất nước. Nguyên nhân thường gặp nhất là bất dung nạp lactose (một loại đường có trong sữa) do thiếu men lactase, có thể do bẩm sinh hay mắc phải. Ở người châu Á, khi lớn lên, sau 1 thời gian không uống sữa, lượng men lactase tự giảm đi, khi uống sữa lại có thể bị tiêu chảy do thiếu men lactase. Ở trẻ em, những trẻ sau một đợt bị tiêu chảy nặng hay kéo dài, nhất là ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, nồng độ men lactase ở các tế bào niêm mạc ruột bị giảm nhiều hoặc mất đi, khi uống sữa có đường lactose sẽ bị tiêu chảy nặng hơn và có khi tiêu chảy kéo dài. Những trường hợp này cần sử dụng sữa không chứa lactose một thời gian cho đến khi niêm mạc ruột và men tái tạo lại đầy đủ hoặc uống sữa thường với số lượng nhỏ, từng chút một… 1 số trẻ uống nhiều nước trái cây, trà khi còn quá nhỏ hay chế độ ăn thiếu béo kéo dài cũng có thể bị tiêu chảy do thẩm thấu. Việc điều trị và can thiệp dinh dưỡng đều là loại bỏ tác nhân không được hấp thu ra khỏi khẩu phần: dùng sữa không lactose hay ngưng nước trái cây, trà.

 

            Tiêu chảy xuất tiết thường liên quan đến 1 số bệnh lý gây tăng tiết tại đường ruột như bệnh tiêu chảy do rối loạn tiết chlor (bệnh xơ nang cystic fibrosis) hay u mào thần kinh. Trường hợp này tiêu chảy vẫn còn cho dù không ăn đường miệng nữa.

 

            Loại tiêu chảy mạn liên quan đến rối loạn nhu động, có thể là dạng rối loạn lành tính ở trẻ nhỏ hay hội chứng ruột kích thích ở trẻ lớn và thiếu niên, thường khả năng hấp thu không bị ảnh hưởng, không có những chất gây kém hấp thu trong chế độ ăn và không phải do uống quá nhiều nước. Thường trẻ không bị ảnh hưởng thể chất, không chậm lớn. Dạng tiêu chảy do RLNĐ lành tính thường xảy ra trong 3 năm đầu đời, ngày đi cầu 3-5 lần lỏng, sẽ không bao giờ đi cầu vào lúc ngủ. Chế độ ăn có thể giúp cải thiện tạm thời tình trạng này là bỏ những thức ăn quá giàu béo hay giới hạn lượng nước trái cây không thuộc họ cam chanh chứa nhiều sorbitol như lê, mận, đào, táo ( < 120-180ml/ ngày). Điều trị chủ yếu là huấn luyện thói quen đi cầu. Chế độ ăn không ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích IBS ở thiếu niên.

 

Nhóm nguyên nhân tiêu chảy cuối cùng là do nhiễm trùng, có thể là vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Ở các nước đang phát triển, với tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ cao, sau 1 đợt tiêu chảy cấp do nhiễm trùng, trẻ có thể bị tiêu chảy thêm 1 thời gian dù nguyên nhân nhiễm trùng đã hết. Tình trạng này ít gặp ở những trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt.

 

Ở tiêu chảy kéo dài, có thể phải sử dụng chế độ ăn không có lactose, không có sucrose (đường mía), sử dụng MCT, hoặc trong trường hợp nặng thì phải chuyển sang chế độ sữa thủy phân. Nên cố gắng sử dụng đường tiêu hóa, cho ăn nhiều bữa nhỏ hay đặt ống sonde bơm liên tục. Lượng thức ăn, nhu cầu các chất dinh dưỡng (đạm, béo, bột đường),  khoáng chất (kali, canxi, phosphor, magne, vi lượng khác…) cần tăng lên từ từ và bù đủ lượng mất cũng như đáp ứng nhu cầu để hồi phục của cơ thể. Quá trình đáp ứng tốt và cải thiện trên lâm sàng thường đòi hỏi từ 2-3 tuần lễ.

 

Như vậy, trong tiêu chảy kéo dài, ngoài chế độ ăn cân đối và đầy đủ dưỡng chất, việc xác định nguyên nhân của bệnh để có can thiệp dinh dưỡng đúng là cực kỳ quan trọng. Trong nhiều trường hợp, điều trị dinh dưỡng cũng là điều trị tiêu chảy mạn. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ tiêu hóa, bác sĩ dinh dưỡng, cả người nhà cũng như bản thân bệnh nhân thì mới có hiệu quả tốt. Không nên quá sốt ruột trong can thiệp dinh dưỡng của tiêu chảy mạn vì quá trình hồi phục bệnh đòi hỏi phải có thời gian.

 

Đăng bởi: BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu-TK Dinh dưỡng

[Trở về]

Các tin khác