Chú ý chế độ ăn ở trẻ với Bánh Trung Thu
Ngày đăng: 18/09/2010
Lượt xem: 9222
Mùa Trung thu đến, cả trẻ em và người lớn đều rộn rã. Ngày nay chế độ ăn không còn thiếu thốn, trẻ không còn quá mong đợi đến Trung thu để được thưởng thức miếng bánh ngọt ngào và béo ngậy. Ngày nay, nhu cầu ăn bánh Trung thu chủ yếu là do yếu tố tinh thần, tuy nhiên xét về mặt dinh dưỡng, cũng có một số vấn đề cần bàn
Trước tiên là về thành phần dinh dưỡng của các loại bánh. Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm, thì bây giờ các loại bánh cực kỳ đa dạng: nào gà quay, lạp xưởng, vi cá, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng…đến khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu, táo tàu, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, mè…Nhưng nói chung, bánh Trung thu luôn ngọt và béo. Vì vậy, bánh Trung thu đem đến rất nhiều năng lượng, với trẻ gầy thì còn đỡ, chứ với trẻ béo phì thì là một mối nguy lớn. Nhưng trẻ gầy thì lại ít thích ăn bánh này, mà người sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ thường là những bé đã quá bụ bẫm, càng ngọt càng béo lại càng thích. Vì vậy, sau mùa Trung thu , bao nhiêu công tập luyện, ăn kiêng trước đó coi như đổ sông đổ biển hết. Trong bánh chứa rất nhiều đường, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng, ngoài tạo nên hương vị đặc trưng cũng là một biện pháp để bảo quản. Nếu chỉ tính sơ sơ, trong 1 cái bánh dẻo nhân đậu xanh 1 trứng chứa 807 kcal (năng lượng bằng 2 tô bún thịt nướng), 11 g đạm, 11,5 g chất béo, 158g bột đường. Còn trong 1 cái bánh nướng 250g thập cẩm 2 trứng cung cấp 1095 kcal (năng lượng bằng 2 tô phở), 33g đạm, 46,6g béo và 104g bột đường. Lượng bột đường của 1 bánh dẻo gần bằng 4 chén cơm, còn bánh nướng bằng 2,5 chén, lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, thêm suy dinh dưỡng. Lượng đường quá cao, ở dạng đường mía sucrose cũng là nguy cơ gây sâu răng ở trẻ.
Ngoại trừ chất béo trong hạt dưa, hạt điều, mè là còn có chút acid béo không no có lợi, còn lại chất béo trong bánh toàn là từ thịt mỡ, gà, dừa…là loại béo no gây nhiều tác hại. Như vậy lượng béo của bánh dẻo bằng lượng béo của 1 tô phở bò trung bình, còn của bánh nướng tương đương ăn hết 50ml dầu ăn hay lượng béo trong 3 tô phở gà.
Lượng chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt thì dễ gây ra ngộ độc. Các sơn hào hải vị bỏ vào bánh không đủ để cung cấp những dưỡng chất đặc biệt mà chủ yếu để làm phong phú hương vị của bánh. Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng sẽ hao hụt đáng kể.
Xét về mặt dinh dưỡng, bánh Trung thu không có nhiều giá trị đối với trẻ em do thành phần không cân đối, tuy nhiên về mặt tinh thần thì lại khá quan trọng. Bánh Trung thu và lồng đèn thường trở thành một kỷ niệm đáng nhớ đối với trẻ thơ. Mặt khác, cho trẻ nếm thử một vài vị mới cũng là một cách tập cho trẻ làm quen với sự đa dạng của các món ăn trong cuộc sống. Vậy nên sử dụng bánh Trung thu cho trẻ như thế nào là hợp lý?
Trước hết là phải chọn loại bánh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ chế biến và bảo quản phải tốt. Do bản thân bánh chưa khá nhiều loại thực phẩm phối trộn lại, nếu không đảm bảo vệ sinh lúc chế biến thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Khâu bảo quản cũng khá quan trọng, có nhiều loại dù còn date vẫn bị hư nếu bảo quản không tốt, để phơi ngoài ánh nắng mặt trời…Ăn bánh cũng khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng góc tám sau cữ ăn cơm là đủ. Ăn xong nhớ nhắc trẻ súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn. Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, và nhớ trừ bớt khẩu phần ăn nếu ăn bánh. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc 1/3 cái bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 chén cơm và lượng thức ăn tương ứng của chén cơm đó, đồng thời tăng lượng rau lá để kéo bớt chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Còn nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm ½ h để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Chúc các bé sẽ có một mùa Trung thu vui, nhiều ý nghĩa!
Đăng bởi: BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu-TK Dinh Dưỡng
Các tin khác
Giúp trẻ phát triển chiều cao 29/02/2024
Chế độ dinh dưỡng ngày Tết mùa Covid 02/02/2022
Các loại sữa dành cho trẻ non tháng 06/02/2020
Chế độ ăn cho trẻ sinh non có gì đặc biệt 29/01/2020
Dinh dưỡng cho trẻ ngày nắng nóng 21/02/2019
Dinh dưỡng ngày Tết và những điều cần lưu ý 06/02/2019