Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bị táo bón kéo dài, bé trai 6 tuổi thủng đại tràng rơi vào nguy kịch

Ngày đăng:  18/03/2022

 
Lượt xem: 1687

Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa qua đã tiếp nhận một trường hợp bé trai 6 tuổi, được tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Ê kíp cấp cứu của bệnh viện đã nhanh chóng tiếp tục hồi sức, chống sốc, ổn định huyết áp để đưa bệnh nhi qua cơn nguy kịch.

🌱 Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ trực cấp cứu ngoại đánh giá bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng đường ruột nặng, gây tắc ruột khiến bụng trướng nhiều. Khả năng bé bị thủng ruột do tình trạng viêm ruột quá nặng gây ra. Bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu ngay sau khi hồi sức tạm ổn định.

 

“Quá trình phẫu thuật ghi nhận phần lớn ruột già của bé dãn lớn, ứ nhiều phân, bị viêm hư hại gần như toàn bộ. Đặc biệt, vị trí đại tràng ngang (phần ruột già nằm giữa bụng) đã bị thủng khiến phân thoát vào ổ bụng gây nên tình trạng nguy kịch của bé. Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn ổ nhiễm trùng là đại tràng viêm hoại tử, làm sạch ổ bụng”, ThS.BS Nguyễn Trần Việt Tánh - khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ.

 

🌱 Sau 1 tuần điều trị hậu phẫu tích cực tại khoa hồi sức, hiện sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện rất tốt, ăn uống được và chuẩn bị xuất viện.

 

🌱 Được biết, bé có tình trạng táo bón kéo dài bắt đầu từ năm 3 tuổi. Cha mẹ cho đi thăm khám ở các bệnh viện nhi vài lần nhưng tình trạng bón không cải thiện nhiều. Do bận công việc và nghĩ bón không nguy hiểm nên ba mẹ bé đã không tiếp tục theo đuổi điều trị.

 

🌱 Theo bác sĩ Tánh, táo bón ở trẻ em đa phần là do chế độ ăn uống chưa thích hợp, nhưng một số trường hợp có bệnh kèm theo mà hay gặp nhất là bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ, cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị táo bón ở trẻ, dù do nguyên nhân ăn uống hay do bệnh lý đều tốn nhiều thời gian, cần được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sát lộ trình để tránh những biến chứng có thể phòng tránh được.

 

🌱 Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngoài việc thăm khám ban đầu các trường hợp táo bón ở trẻ, chúng tôi còn áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu như: đo áp lực hậu môn trực tràng cho trẻ em, sinh thiết hút, bên cạnh các phương pháp mổ hiện đại.

 

ThS. BS. Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa ngoại tổng hợp - BV Nhi Đồng 2

 

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác