Bấm vào hình để xem kích thước thật

Can thiệp nội mạch thành công ca bệnh hiếm: Túi phình ống động mạch

Ngày đăng:  14/03/2018

 
Lượt xem: 3934

Ngày 01.03.2018 khoa tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiến hành can thiệp nội mạch thành công một trường hợp túi phình ống động mạch rất hiếm gặp.

Bệnh nhi là một bé trai 3 tháng tuổi được bệnh viện Sản-Nhi Phú Yên chuyển tuyến với tình trạng sốt cao kèm sưng đau khớp háng bên phải. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, trong quá trình điều trị nhiễm trùng khớp háng, các bác sỹ đã tình cờ phát hiện ra có một luồng âm thổi bất thường ở ngực trái của bệnh nhi. Các xét nghiệm cần thiết đã được tiến hành ngay sau đó để xác nhận chẩn đoán.

 

Kết quả hình ảnh học cho thấy bệnh nhi có một túi phình rất lớn của ống động mạch, một cấu trúc mạch máu chỉ tồn tại trong giai đoạn bào thai hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Nếu ống động mạch không tự đóng sau khi sinh sẽ ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn và có thể gây suy tim.

 

 

 

 

Ekip can thiệp tim mạch đã tiến hành hội chẩn và kết luận bệnh nhi có 2 vấn đề chính cần giải quyết: loại bỏ túi phình mạch máu ra khỏi hệ tuần hoàn và bít luồng thông bất thường từ ống động mạch. 2 phương án thực hiện nhanh chóng được thảo luận: mổ hở và can thiệp nội mạch. Sau khi hội chẩn nhiều lần và cân nhắc các yếu tố liên quan, ekip đã chọn phương án can thiệp nội mạch đầu tiên, nếu khó khăn sẽ chuyển sang mổ hở.

 

Ngày 01.03.2018, ekip can thiệp tim mạch với sự tham giam gia của Bs Nguyễn Minh Trí Việt và Bs Phan Thành Thọ đã tiến hành can thiệp cho bệnh nhi. Ekip đã dùng bóng và dù ( thiết bị chuyên dụng) đóng thành công ống động mạch và qua đó làm tắc đường máu dẫn vào túi phình. Hình ảnh chụp kiểm tra ngay sau can thiệp cho thấy đã loại bỏ được túi phình cũng như đóng thành công ống động mạch.

 

10 ngày sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhi tốt, các thông số huyết động học ổn định và đã được cho xuất viện. Bs Nguyễn Minh Trí Việt cho biết đây là một ca bệnh rất hiếm gặp và nguy cơ bệnh nhi tử vong là cực kỳ lớn nếu túi phình mạch máu bị vỡ. Mặc dù nguy cơ tái phát là thấp nhưng bệnh nhi vẫn được theo dõi định kỳ tại phòng khám tim mạch sau đó có thể được theo dõi tại Bệnh viện Sản-Nhi Phú Yên, nơi Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thực hiện công tác chỉ đạo tuyến.

 

Tổng hợp: BS. Lê Quang Mỹ

 

 

 

Đăng bởi: Nguyễn Thị Thu Hân

[Trở về]

Các tin khác