Ca ghép gan lần thứ 10 tại BV.NĐ2 - Một chặng đường phát triển (cập nhật tình hình hậu phẫu ngày 14)
Ngày đăng: 19/10/2016
Lượt xem: 11496
Kính chào quý bạn đọc luôn đồng hành cùng Website Bệnh viện Nhi Đồng 2. Như chúng tôi đã đưa tin, vào lúc 18g ngày 4 tháng 10 năm 2016, ê kíp phẫu thuật gồm: các y, bác sĩ của bệnh viện Nhi đồng 2 - Phụ trách chính ca phẫu thuật là ThS.BS. Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện; Cố vấn chuyên môn: GS.TS.BS. Trần Đông A; Phẫu thuật viên chính: ThS.BS. Trần Thanh Trí cùng 30 thành viên là các bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê và hộ lý đã hoàn thành những khâu cuối cùng trong ca ghép gan lần thứ 10.
Bệnh nhi được ghép gan là bé Nguyễn Võ Trí Hào (13 tháng tuổi, ngụ tại TP.HCM). Hiện tại, bé đang trong giai đoạn chăm sóc hậu phẫu.
Hôm nay, trong chuyên mục Tin tức sự kiện, chúng tôi có cuộc trao đổi trực tiếp với BS. Vương Minh Chiều - thành viên chủ lực của ê kíp phẫu thuật về tình hình của bé sau mổ 14 ngày.
ThS. Linh: Xin chào BS, BS có thể mô tả cụ thể từng bước trong quá trình chuẩn bị ghép gan cho bé Trí Hào được không ạ?
BS. Chiều: Bệnh nhi được ghép gan là bé Nguyễn Võ Trí Hào, sinh ngày 26 tháng 8 năm 2015, được chẩn đoán là xơ gan giai đoạn cuối/ teo đường mật bẩm sinh đã phẫu thuật Kasai, bệnh lý tương tự như những trường hợp ghép gan trước đây. Người cho gan là ba ruột của cháu, anh Nguyễn Thành Hiệp. Để tìm hiểu sâu về phẫu thuật Kasai và những hình ảnh của các bước phẫu thuật, độc giả có thể tìm thấy ở đường link dưới đây, trong ca ghép gan lần thứ 8:
(Bài này chúng tôi nói ngắn gọn về phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu và những hy vọng phát triển ghép gan tại bệnh viện Nhi đồng 2)
Về phần người cho, vấn đề quan trọng nhất là lấy được mảnh ghép mà phải đảm bảo tuyệt đối an toàn (trên thế giới cũng có báo cáo một vài trường hợp rất hiếm gặp người cho gặp nguy hiểm trong khi được phẫu thuật cắt gan, chúng tôi chưa gặp trường hợp này). Sau 4 tiếng, chúng tôi cũng lấy được phân thùy II, III của gan cha bé mà vẫn đảm bảo an toàn của tĩnh mạch gan, tĩnh mạch cửa, động mạch gan và ống gan phải (đường mật) của phần gan còn lại.
Về phần người nhận, vấn đề dính của các cơ quan trong ổ bụng sau phẫu thuật Kasai gây rất nhiều khó khăn trong lúc bóc tách cắt bỏ gan xơ. Hơn nữa, quai Roux-en-Y của người nhận quá ngắn, chúng tôi phải làm lại quai này trước khi nhận gan. Sau 8 tiếng phẫu thuật chúng tôi đã từng bước tiến hành nối tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa, động mạch gan và đường mật.
Với những kinh nghiệm và kỹ thuật đã thành thạo từ những ca ghép gan trước, chúng tôi tiến hành ca phẫu thuật lần thứ 10 tương đối tốt và thời gian mổ được rút ngắn, chúng tôi biết, cây trồng 11 năm bắt đầu cho quả ngọt.
ThS. Linh: Thưa BS, hiện tại bé đang ở giai đoạn hậu phẫu, như chúng ta đã biết chăm sóc sau phẫu thuật là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với những ca mổ lớn vì chỉ cần một chút sai sót cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn và ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị của bé rất nhiều, vậy BS có thể cho biết Bv đã chuẩn bị những gì cho giai đoạn hậu phẫu của bé?
BS. Chiều: Sau mổ, những bác sĩ có kinh nghiệm nhất của khoa Hồi Sức như BS. Hoàng Nguyên Lộc, BS. Thạch Lễ Tín khám cho bé nhiều lần mỗi ngày để kịp thời xử lý những vấn đề rối loạn sau mổ nếu có.
GS.TS Trần Đông A (cố vấn chuyên môn), Ths.BS Phạm Ngọc Thạch (Lãnh đạo bệnh viện) và ThS.BS Trần Thanh Trí (Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trưởng ê kíp mổ) thường xuyên thăm nom và theo sát tình hình của bé.
Chúng tôi cử hẳn một ê kíp nhân viên hồi sức có chuyên môn cao túc trực chăm sóc cho bé. Phòng của bé hoàn toàn cách ly và hạn chế thăm nuôi nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong thời gian bé dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép.
Ngoài ra BS. Mai Tấn Liên Bang (Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh), đến siêu âm cho bé mỗi ngày để kiểm tra sự thông suốt của 3 miệng nối mạch máu gồm tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch cửa và động mạch gan.
Về Dinh dưỡng: BS. Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng) luôn theo sát tình hình năng lượng xuất nhập, nhu cầu dịch hằng ngày. Sau mổ 4 ngày bé bắt đầu được uống sữa, lượng sữa được tăng dần và hôm nay bé đã ăn được cháo.
ThS. Linh: Hiện tại tình hình của bé như thế nào ạ?
BS. Chiều: Hiện tại, bé hết vàng da, bụng xẹp, không có dịch báng. Các xét nghiệm Billirubin, men gan, đông máu đã trở về bình thường. Bé không còn tình trạng nhiễm trùng. Các ống dẫn lưu ổ bụng đều đã rút, catheter tĩnh mạch trung ương đã được rút, vết mổ lành đẹp.
Sau đây là hình ảnh của bé trong ngày hôm nay, một hình ảnh hoàn toàn khác so với 2 tuần trước:
Hình ảnh bé đang chơi, rất đáng yêu
Hôm nay con được tắm rồi nhé các bác, cười khoái chí nha!
Relax sau khi tắm nha!
ThS. Linh: Thưa Bác sĩ với sự quan tâm chỉ đạo tận tình của BGĐ BV cùng sự nỗ lực của ekip phẫu thuật và đặc biệt là công tác chuyển giao kỹ thuật của các giáo sư, chuyên gia ghép tạng đến từ Viện Trường đại học Saint-Luc thuộc vương quốc Bỉ. BS có thể nêu những định hướng phát triển của hoạt động ghép gan tại BV. Nhi Đồng 2 trong những năm tới được không ạ?
BS. Chiều: Đây là ca ghép gan thứ 10 tại bệnh viện Nhi Đồng 2 với sự hợp tác chuyển giao kỹ thuật của các giáo sư, chuyên gia ghép tạng đến từ Viện Trường đại học Saint-Luc thuộc vương quốc Bỉ.
Trong 11 năm kể từ cac ghép gan đầu tiên, chúng tôi đã trải qua 3 thế hệ phẫu thuật viên.
Thế hệ đầu tiên gồm GS.TS. Trần Đông A, nguyên phó giám đốc bệnh viện, ThS.BS. Trần Vĩnh Hậu, nguyên Trưởng khoa Ngoại Tổng Hợp. Chúng tôi có những thành công hôm nay là nhờ các thầy đã đặt nền móng cho một ê kíp ghép gan ngày càng chuyên nghiệp của bệnh viện Nhi Đồng 2.
Đến thế hệ thứ hai gồm TS.BS. Trương Quang Định, nguyên Phó Giám Đốc bệnh viện, ThS.BS. Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng Hợp và ThS.BS. Vũ Trường Nhân, khoa Ngoại Tổng Hợp. Các bác sĩ tài năng này là những phẫu thuật viên chính hiện nay, đang từng bước nhận chuyển giao phẫu thuật ghép gan từ các giáo sư vương quốc Bỉ.
Thế hệ tiếp theo chúng tôi gồm BS. Bùi Hải Trung và BS. Vương Minh Chiều, chúng tôi thừa hưởng những thành quả của các thế hệ đàn anh đi trước và hy vọng sẽ xây dựng bệnh viện Nhi Đồng 2 trở thành một trung tâm ghép gan lớn của Việt Nam và khu vực để đem em lại cho các em không may mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh chiến thắng thần chết.
ThS. Linh: Chân thành cám ơn BS đã chia sẻ khá chi tiết sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước, trong và sau mổ của ê kíp phẫu thuật đối với 1 ca mổ phức tạp cùng với những thành công bước đầu và định hướng phát triển của chương trình ghép tạng trong tương lai.
Chương trình kính chúc BS sức khoẻ và gặt hái nhiều thành công hơn nữa!
Đăng bởi: Ban website
Các tin khác
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024