Bấm vào hình để xem kích thước thật

Sặc đồ chơi vào phổi : chuyện cũ mà mới

Ngày đăng:  08/04/2013

 
Lượt xem: 7579

Bé Nguyễn Duy K., 3 tuổi, nhà ở Biên Hoà, Đồng Nai, nhập viện vì ho, khò khè kéo dài cả tháng mà điều trị hoài không hết. Mẹ bé cho biết cách khoảng 1 tháng trước đó, trong lúc đang chơi với cây kèn nhựa, bé đột ngột bị ho sặc sụa nhưng không tím tái. Mẹ bé cũng ghi nhận cây kèn đã bị mất một mẩu nhỏ ở đầu kèn. Dựa vào thông tin này, các bác sĩ đã nghi ngờ bé K bị dị vật lọt đường thở dù phim X quang chụp hình phổi không thấy gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi khám phổi cho bé, các bác sĩ đã nghe được một âm thanh rất đặc biệt như tiếng “te te”, là tiếng của không khí khi thổi qua một ống hẹp và rỗng.

Ngày 4/4/2013, sau khi đã điều trị kháng sinh và kháng viêm tích cực, các bác sĩ đã quyết định nội soi phế quản cho bé để kiểm tra dị vật và gắp ra nếu có. Kết quả, các bác sĩ đã lôi ra khỏi đường thở của bé một mẩu nhựa trắng hình ống dính rất nhiều đàm nhớt. Đây đúng là bộ phận thường được gắn ở phía trong đầu kèn nhằm tạo âm thanh khi thổi. Vài ngày sau, bé K khoẻ hẳn và xuất viện.

 

Trải qua thời điểm Tết Nguyên đán với các ca sặc hóc dị vật là hạt dưa, hạt đậu phộng, hạt hướng dương, v.v…, thì nay lại đến các ca sặc dị vật là các mẩu đồ chơi. Cách đây không lâu, khoa Hô hấp cũng đã gắp ra dị vật là đầu bấm của cây bút bi do em vừa học vừa ngậm bút vào miệng. Đối với trẻ nhỏ hơn, đồ chơi nhiều màu sắc là một yếu tố thu hút các bé ngậm đồ chơi hoặc bỏ đồ chơi vào miệng. Trên bao bì của một số loại đồ chơi lắp ghép thường có ghi hàng chữ bằng tiếng Anh “không phù hợp cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi”, tuy nhiên, các phụ huynh cũng nên ý thức rằng các trẻ lớn hơn (4 tuổi, 5 tuổi…) cũng chưa bỏ được thói quen này ngay đâu. Thậm chí một đồ chơi nguyên vẹn như chiếc kèn đâu có bị cấm chơi ở trẻ nhỏ mà vẫn có thể gây nên sự cố ! Cũng nên nhớ rằng trẻ nhỏ kể từ thời điểm mọc răng trở đi thì một đồ chơi nguyên vẹn trong tay chúng cũng có thể bị biến thành một đồ chơi với nhiều mảnh vụn nhỏ. Do đó, cẩn thận vẫn hơn. Tuy nhiên, đừng vì thế mà cấm đoán trẻ làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của chúng. Các bậc cha mẹ nên cố gắng cùng chơi chung với trẻ vậy !

Đăng bởi: ThS.BS.Bùi Nguyễn Đoan Thư - KHoa Hô hấp chuyên sâu

[Trở về]

Các tin khác