Bấm vào hình để xem kích thước thật

Chết đuối : đừng để xảy ra vì sự sơ xuất của người lớn

Ngày đăng:  17/01/2012

 
Lượt xem: 8027

Ngày 26/12/2011, bé Hoàng Kim K., 15 tháng, nhà ở quận 9, được bệnh viện quận 2 chuyển viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng suy hô hấp phải đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở do bị ngạt nước. Trước đó 2 giờ, mẹ K để con chơi một mình ở ngoài cửa để rửa chén đĩa. Chừng 5 phút sau, mẹ em phát hiện ra em đã chúi ngập đầu trong xô nước lau nhà đã dùng. Toàn thân em mềm nhũn, trắng bệch, môi tái. Mẹ em hốt hoảng chỉ biết gọi người tới cứu và người này vội vã mang em tới ngay bệnh viện quận mà không kịp xử trí gì. Sau 5 ngày hồi sức cấp cứu, em đã được cai máy thở và điều trị viêm phổi do hít phải nước dơ. Em đã khỏe dần lại nhưng mẹ em vẫn còn chưa hết ... “hết hồn”. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy. Mới đây, ngày 7/1/2012, bé Lâm Ngọc T, 3 tuổi, nhà ở quận 2, sau khi được vớt từ dưới ao sâu 1 mét lên, đã ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện cấp cứu. Dù được hồi sức tích cực nhưng bé đã không thể qua khỏi, kết cục thật đau lòng.

Thật vậy, chết đuối trẻ em là một tai nạn rất thường gặp. Nước ta sông suối ao hồ nhiều, mùa lũ nào cũng có trẻ bị chết đuối, mà mùa khô vẫn có trẻ bị chết đuối, thậm chí nhà không gần ao hồ trẻ vẫn có thể bị chết đuối do sự bất cẩn của người lớn (xô nước, lu nước không đậy nắp, bồn tắm chứa nước...). Trẻ em đang tuổi tập đi dễ té ngã đã đành, trẻ lớn hơn khoảng 2-3 tuổi bản tính hiếu động tò mò muốn khám phá nhưng do sức cơ còn yếu nên một khi đã chúi đầu xuống thì khó  gượng lên được; còn chúi đầu xuống ao thì vô phương lên được nếu không có người kéo lên.

 

Tất cả những tai nạn trên đều hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn chịu khó để mắt tới trẻ. Không nên chủ quan tin tưởng vào sự hiểu biết của trẻ vì 99 lần có thể không sao, chỉ cần 1 lần “có sao” là có thể mất con rồi !

 

Vậy nếu chẳng may lỡ để xảy ra tình huống như trên thì sao ?

 

Đầu tiên, cần hết sức bình tĩnh để sơ cứu trẻ. Nếu trẻ mê, đặt trẻ nằm ngửa và đưa tai vào gần mũi trẻ để cảm nhận hơi thở trong khi đưa mắt nhìn bụng trẻ xem trẻ còn thở không. Bụng ngực không nhấp nhô là trẻ đã ngưng thở và khi đó cần hà hơi thổi ngạt ngay. Đối với trẻ nhỏ, không cần bịt mũi trẻ khi hà hơi mà người sơ cứu có thể há miệng phủ kín đồng thời cả miệng và mũi trẻ (một tay kéo cằm xuống cho miệng trẻ há ra), hà hơi khoảng 20 lần/phút cho đến khi trẻ thở lại (trường hợp không thở lại sau 5 phút thì trên đường đi cấp cứu vẫn tiếp tục hà hơi).

 

Nếu trẻ bị ngưng tim (sờ không thấy mạch đập ở cổ, bẹn, khuỷu tay) thì ngoài hô hấp nhân tạo còn phải ấn tim ngoài lồng ngực. Thủ thuật này có phần khó hơn, đòi hỏi người sơ cứu phải được huấn luyện từ trước. Tuy nhiên, chỉ một mình động tác hà hơi thổi ngạt cũng đã giúp cứu sống rất nhiều trường hợp. Thời gian từ lúc vớt lên cho đến khi sơ cứu càng ngắn càng tốt vì não thiếu ôxi lâu sẽ khó hồi phục hoặc nếu hồi phục sẽ để lại di chứng. Do đó, không nên vừa vớt lên chưa kịp xử trí gì đã đem ngay tới bệnh viện vì quãng đường xa, thời gian lâu, trẻ sẽ được cấp cứu trễ (như trường hợp 2).

 

Ngoài ra, tuyệt đối không xốc nước, không hơ lửa vì có thể làm cho bệnh cảnh nặng nề hơn và làm chậm quá trình cấp cứu.

 

Tóm lại, phòng bệnh hơn chữa bệnh : để mắt tới trẻ mọi nơi mọi lúc, không để trẻ ở một mình ngoài tầm kiểm soát ; đậy kỹ nắp lu, chậu ; rào kỹ khu vực hồ bơi, ao hồ... Chớ có bao giờ lo giải quyết tiếng chuông điện thoại reo hay chuông cửa mà để trẻ một mình trong bồn tắm, dù chỉ 1 phút !

Đăng bởi: Ths.Bs.Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp

[Trở về]

Các tin khác