CÓ NHIỀU YẾU TỐ GÂY TÁO BÓN CHO TRẺ
Ngày đăng: 12/01/2010
Lượt xem: 21231
Táo bón thường xảy ra ở trẻ em. Táo bón chiếm 3% số lần thăm khám của bác sĩ nhi khoa. Táo bón được định nghĩa bởi sự đi tiêu không thường xuyên và/hoặc tiêu phân cứng và/hoặc khó đi tiêu. Táo bón mạn khi trẻ bị táo bón hơn hai tuần
Nguyên nhân:
Đa số táo bón ở trẻ em không có nguyên nhân thực thể. Nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra bón:
- Nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ lớn hơn 18 tháng tuổi là do trẻ không muốn đi tiêu vì trẻ quá ham chơi hoặc không đủ kiên nhẩn ngồi lâu trên bàn cầu.
- Tại trường học bé không muốn vào nhà vệ sinh vì quá đông hoặc quá bẩn.
- Trẻ không muốn vào nhà vệ sinh vì sợ đau khi đi tiêu như những lần trước đó. Phân không được thải ra ngoài sẽ ứ đọng lại bên trong đại tràng và nước bị hấp thu khiến phân trở nên khô và cứng.
- Thay đổi sữa hoặc chế độ ăn.
- An nhiều đường hoặc thức ăn ngọt.
- Sốt, mất nước, nằm lâu, ăn ít.
Những bệnh lý gây táo bón mạn:
- Suy giáp: là tình trạng giảm hoạt động của tuyến giáp từ đó làm giảm hoạt đông của cơ trên thành ruột. Thường xảy ra ở tuổi sơ sinh và kèm với nhiều triệu chứng khác. Bệnh lý này cần chẩn đoán và điều trị sớm đề tránh hậu quả ngu đần cho trẻ.
- Bệnh Hirschsprung: trong bệnh lý này một đoạn ruột không có tế bào hạch thần kinh thường xuyên ở trạng thái co thắt không thể dãn nở ra. Bệnh thường xảy ra trong những tuần tuổi đầu tiên, thường xảy ra ở trẻ trai và trẻ có hội chứng Down. Trẻ không thể đi tiêu được hoặc đi tiêu phân nhỏ. Trẻ mắc bệnh lý này thường nhẹ cân hoặc suy dinh dưõng. Khi nghi ngờ bệnh lý này, cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi.
- Tiểu đường.
- Rối loạn điện giải như Can-xi hoặc Ka-li cũng có thể gây táo bón.
- Ngộ độc chì.
- Bệnh xơ nang.
- Bệnh lý thần kinh trung ương: bại não, chậm phát triển tâm thần, hay tổn thương thủy sống.
- Dược phẩm: các loại thuốc kháng a-xít, chống trầm cảm, chống động kinh, hóa trị, giảm đau gây nghiện cũng có thể gây táo bón.
- Những tình trạng suy nhược, rối loạn tập trung, lạm dụng tình dục.
Những triệu chứng táo bón ở trẻ em
- Trẻ có cảm giác cần phải đi tiêu nhưng lại không muốn thực hiện việc đó bằng cách: bắt chéo chân, ngồi lên bánh xe, siết chặt hậu môn.
- Những dấu hiệu khác có liên quan đến táo bón:
- Bé chậm phát triển thể chất.
- Đau quặn bụng quanh rốn.
- Không thèm ăn, buồn nôn và nôn.
- Tiểu nhiều lần, đái dầm.
- Nhiễm trùng tiểu tái phát.
Khi nào cần gặp thầy thuốc
- Việc điều trị bệnh táo bón phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây táo bón. Vì vậy, cha mẹ của trẻ cần đặt hẹn và đưa trẻ đến bác sĩ.
- Nếu trẻ đau bụng nhiều, nôn ói, chán ăn, sốt hoặc phân có máu, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
Khám và xét nghiệm
- Bác sĩ sẽ khám cho trẻ, đánh giá tăng trưởng, tìm các dấu hiệu có liên quan đến nguyên nhân gây táo bón.
- Khám bụng có thể phát hiện bụng trướng, đau hay phân đá.
- Khám hậu môn trực tràng bằng tay có thể thấy hậu môn bị hẹp, cơ vòng co thắt nhiều, phân đá trong trực tràng và những dấu hiệu khác.
- Phân được lấy để tìm máu trong phân.
- Nếu nghi ngờ táo bón có nguyên nhân nội khoa hoặc ngoại khoa sau khi hỏi bệnh và thăm khám, thầy thuốc sẽ tiến hành xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh.
- Những thông tin được cung cấp từ cha mẹ bệnh nhi rất cần thiết để chẩn đoán táo bón và tìm nguyên nhân của tình trạng này:
+ Tại sao cha mẹ trẻ cho là trẻ bị táo bón và tình trạng đó đã xãy ra bao lâu?
+ Độ lớn và độ cứng của phân?
+ Khoảng thời gian giữa 2 lần đi tiêu?
+ Có đau hoặc có máu khi đi tiêu không?
+ Có kèm đau bụng nhiều không?
+ Có thường són phân ra tả hoặc ra quần không?
+ Trẻ có đi tiêu ở trường không?
+ Có đang sử dụng thuốc gì không?
+ Chế độ ăn hiện tại của trẻ là gì?
Điều trị:
Táo bón có nguyên nhân là bệnh nội khoa hay bệnh ngoại khoa cần điều trị đặc hiệu. Những trường hợp táo bón còn lại sẽ được điều trị như sau
Điều trị tại nhà:
- Động viên trẻ đi tiêu mỗi ngày vào một giờ nhất định trong ngày.
- Cho trẻ ngồi cầu hoặc bô sau bửa ăn trong khoảng thời gian ít nhất 10 phút. Sau bửa ăn, đại tràng sẽ co bóp theo phản xạ dạ dày ruột, trẻ sẽ dễ dàng đi tiêu hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước và nước ép trái cây (mận, táo, lê …).
- An nhiều ngũ cốc, trái cây và rau. Hạn chế kẹo và thức ăn nhiều đường.
Điều trị tại bệnh viện:
- Tư vấn cha mẹ trẻ về nguyên nhân gây táo bón. Giải thích cho cha mẹ trẻ hiểu rằng đó không phải là lổi của cha mẹ trẻ hay của trẻ.
- Nếu có nhiều phân cứng trong đại tràng. Trẻ cần được cho uống và/hoặc thuốc để thải hết phân cứng ra ngoài. Đôi khí cần phải thụt tháo để lấy hết phân đá.
- Phòng ngừa tái ứ đọng phân trong đại tràng bằng điều trị thuốc trong một thời gian dài.
- Theo dõi
- Sau khi được thầy thuốc khám và điều trị, trẻ cần được tái khám thường xuyên nhằm bảo đảm rằng việc điều trị vẫn được thực hiện tốt và có hiệu quả cũng như phát hiện tái phát kịp thời.
Phòng ngừa tái phát
- Để phòng ngừa táo bón tái phát, trẻ cần được thay đổi hành vi, chế độ ăn và lượng nước uống vào.
- Thuốc nhuận trường có thể được sử dụng từ nhiều tháng đến 1 năm.
- Đi tiêu sau mỗi ngày vào giờ nhất định sau bửa ăn.
- Thường xuyên nhắc nhở, động viên và khích lệ trẻ tuân thủ nghiêm túc việc điều trị.
Tiên lượng
- Táo bón cấp thường có thể điều chỉnh dễ dàng.
- Táo bón mạn thường phải điều trị lâu dài với thuốc uống và hầu hết thuốc này được ngưng sau 1 năm. Táo bón tái phát thường xảy ra nhất là khi trẻ hoặc cha mẹ trẻ không theo những hướng dẫn của thầy thuốc.
Đăng bởi: Ths.BS.Trần Thanh Trí - Phó Khoa Ngọai Tổng Hợp
Các tin khác
Lập kế hoạch nếu Bạn bị dị ứng thức ăn 20/06/2018
Xử trí khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy 08/04/2018
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DỊP LỄ TẾT 10/02/2018
Tìm hiểu về Salmonella 14/08/2016
Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter pylori) dạ dày 13/04/2015
Bảo đảm rằng trẻ được đủ nước. 06/12/2012
Tìm hiểu về mất nước ở người lớn. 06/06/2012