Con tôi nhút nhát, không cho đụng vào người và đồ chơi ?
Ngày đăng: 01/09/2011
Lượt xem: 11683
Câu hỏi:
Chào các bác sĩ, con trai tôi được gần 25 tháng, bé biết nói khi được 19 tháng, đến nay bé nói khá tốt (đã nói được câu hoàn chỉnh, dài và nhiều chủ đề), bé có trí nhớ tốt (nhận biết các con vật, màu sắc, bé thuộc các bài hát). Vì bé nhút nhát từ nhỏ nên chúng tôi cho bé đi học từ khi 19 tháng, tuy nhiên tình hình vẫn không cải thiện. Bé chịu gần gũi với các cô, cô cho ăn uống, cho cô ôm hôn và hôn cô, cô dạy các trò chơi nhưng bé không cho bất cứ bạn nào đụng vào mình, hay ôm mình, cũng không chủ động đụng chạm hay ôm các bạn dù vẫn ngồi chơi chung và chia sẻ đồ chơi với các bạn. Dù bé đã đi học gần nửa năm nhưng sáng nào cũng khóc nhè khi đến lớp. Sáng nay bé tự thức dậy và âm thầm chui vào trong góc nhà ngồi (tôi đi làm sớm trước khi bé dậy, bà ở nhà cho bé đi học). Ngoài ra, bé sợ những món đồ chơi đang chuyển động như xe chạy, ngựa chạy...(bé vẫn sờ mó khi chúng không chạy).Tôi cảm thấy rất lo lắng trước biểu hiện này của con. Tôi có cần thiết đưa con đi khám hay phải có cách nào để giúp bé vượt qua những nỗi sợ này. Tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ.Nguyễn Minh Phương
Trả lời:
Chào bạn,
Một vài trẻ tự nhiên nhát sợ người, vật và hoàn cảnh lạ. Trẻ có thể sẽ núp phía sau người lớn, tìm một chổ để trốn vào, quan sát và chờ đợi trước khi tham gia vào một sinh hoạt tập thể. Nếu trẻ “bị” lôi kéo vào điều đó trẻ có thể sẽ kháng cự lại, và khi đối diện với tình huống gây sợ sệt cho trẻ, trẻ có thể khóc, la hét hoặc ôm chặt lấy người thân. Với cha mẹ, chúng ta thường khuyến khích sự tự tin, tính độc lập nhưng việc làm này có thể gây ấm ức cho trẻ. Còn thách thức hay hù dọa sẽ làm cho trẻ nhút nhát càng khó khăn hơn.
Cách tốt nhất là để trẻ phát triển theo tốc độ riêng của trẻ nếu những điều trẻ sợ không ảnh hưởng đến giấc ngủ, những sinh hoạt thường ngày, quan hệ của trẻ với những người xung quanh. Hãy để trẻ có thời gian cần thiết để trãi nghiệm và thích ứng với các hoàn cảnh mới và ba mẹ hãy luôn là nguồn động viên, hỗ trợ mỗi khi trẻ rơi vào tình huống gây nên sự khó chịu cho trẻ. Nếu ba mẹ hiểu và thông cảm cho những sợ sệt của trẻ, cùng giúp trẻ vượt qua nổi sợ trẻ sẽ giúp trẻ hình thành sự tự tin nhanh hơn.
Nếu anh/chị đã cố gắng nhưng không thể cải thiện được tình trạng của trẻ, anh chị nên đưa trẻ đến khám để được đánh giá từ phía các chuyên gia. Chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ trực tiếp với anh/chị về những vấn đề cụ thể của cháu tại khoa Tâm lý trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2, số 14 Lý Tự Trọng P Bến Nghé, Q.1. Điện thoại: 08.3 829 5723 (Nội bộ 8248) vào các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu từ 7g30 – 16g.
Trả lời bởi: CNTL. Trương Quốc Cường - Khoa Tâm lý
Các tin khác
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ 05/02/2016
Chậm phát triển trí tuệ 05/05/2015
Không biết là bé có bị tự kỷ không ? 04/05/2015
Càng lớn bé càng ít nói và hay cáu giận 27/03/2015
36 tháng nhưng bé vẫn chưa nói được nhiều? 25/03/2015